Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng đã 2 lần điều chỉnh với mức tăng hơn 3.100 đồng/lít. Với việc tăng giá xăng liên tiếp và kỷ lục trong tháng 5, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường.
Mặt bằng giá tại hệ thống các siêu thị vẫn đang ổn định. |
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, giá hàng hóa tại các chợ dân sinh, các siêu thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện chưa bị tác động bởi việc tăng giá xăng.
Hơn 1 tuần sau khi giá xăng tăng với mức 1.200 đồng/lít, theo ghi nhận, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường Đà Nẵng vẫn bình ổn. Điều này đã tác động tích cực đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như tâm lý người tiêu dùng.
Theo Cục Thống kê thành phố, CPI tháng 5 tăng nhẹ ở mức 0,24% so với tháng trước. Theo giải thích của các chuyên gia kinh tế, giá xăng tăng lần này chỉ tác động nhiều đến chỉ số CPI của nhóm giao thông vận tải và nhóm dịch vụ, còn giá cả hàng hóa trên thị trường thành phố vẫn ở mức bình ổn.
Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố cho thấy, thời điểm này, lượng hàng về chợ dồi dào, giá cả vẫn giữ mức ổn định. Nhìn chung, giá hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, thủy hải sản vẫn đứng ở mức cũ, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá.
Theo đánh giá của các tiểu thương, giá xăng dầu tăng trong dịp này không “kéo” giá hàng hóa tăng lên theo kiểu “té nước theo mưa” như mọi lần. Bởi, mức tăng giá nhiên liệu hầu như không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm, mặt khác do sức mua yếu nên hầu như tiểu thương không dám tăng giá bán vì sợ ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Hải, tiểu thương kinh doanh hàng thịt heo tại chợ Cồn cho biết, giá thịt mấy ngày qua giảm khoảng 5.000/kg.
Các công ty chuyên cung ứng mặt hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn giữ nguyên giá bán. Bởi theo họ, việc tăng giá không có cơ sở sẽ làm giảm sức mua, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu. “Giá xăng, dầu tăng nên giá vận chuyển cũng tăng thế nhưng công ty chúng tôi không thể tăng giá bán.
Trong khi sức mua gần đây yếu, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên gay gắt thì việc tăng giá bán sẽ khiến hàng hóa không có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy công ty chúng tôi phải đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được”, đại diện một công ty cung cấp thực phẩm trên địa bàn thành phố chia sẻ.
Tại các siêu thị như BigC, Co.op Mart… đến nay vẫn chưa nhận được thông báo tăng giá của nhà cung cấp và mặt bằng giá tại hệ thống các siêu thị vẫn đang ổn định. Ngoài ra, nhiều siêu thị đang nỗ lực trong việc mang đến cơ hội mua sắm tiết kiệm nhất cho khách hàng với mức giá bán lẻ tốt nhất nhằm kích cầu tiêu dùng.
Các siêu thị cũng thường xuyên theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh sự chênh lệch giữa giá bán với các nhà cung ứng sản phẩm để bảo đảm cho người tiêu dùng luôn có nguồn hàng hóa đầy đủ, phong phú, đa dạng với mức giá ổn định.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách truyền thông hệ thống siêu thị Big C cho hay: “Ngoài việc yêu cầu nhà cung cấp tính toán giá thành sản phẩm hợp lý, phù hợp với quy định của luật pháp và mức độ chấp nhận của thị trường, chúng tôi còn phối hợp để tăng cường các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, hoạt náo thương hiệu, dịch vụ… để mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng khi mua sắm”.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN