.

Chưa sẵn sàng cho hội nhập

.

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức mở cửa, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng cần những gì?

Cần cung cấp thông tin kịp thời để doanh nghiệp chủ động hội nhập.
Cần cung cấp thông tin kịp thời để doanh nghiệp chủ động hội nhập.

Tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp

Theo ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, những trở ngại cũng như mong muốn của doanh nghiệp (DN) khi hội nhập sâu vào thị trường khu vực và quốc tế là nguồn vốn, công nghệ... Tuy nhiên, đến nay, khi TPP và AEC tới gần nhưng điều DN cần nhất là thông tin về thị trường hàng hóa các nước trong khu vực và quốc tế thì vẫn khá mù mờ.

“Cha ông ta từng nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cuối năm 2014, công ty chúng tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì không tiến hành hợp tác được. Qua đây cho thấy, thông tin là vấn đề vô cùng quan trọng để DN tiếp cận và tìm kiếm cơ hội làm ăn”, ông Giang nói.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) thành phố cho rằng, để hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế, DNNVV không thể vay vốn ngân hàng với lãi suất và thuế thu nhập DN cao hơn các nước trong khu vực và quốc tế như hiện nay; hàng hóa cũng không thể cạnh tranh nổi nếu vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Thêm vào đó, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước chưa được cải thiện rõ nét; vẫn còn đó những rào cản làm giảm sút niềm tin của DN.

Vừa qua, Hiệp hội DNNVV thành phố đã gửi một số góp ý lên Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời cần tăng cường những biện pháp thiết thực cụ thể như hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DNNVV. Đồng thời, đề xuất giải pháp nên chăng Chính phủ sớm thành lập một Ủy ban Quốc gia chuyên trách chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện việc hội nhập thị trường khu vực và quốc tế.

Chủ động lo cho mình

Trao đổi với cộng đồng DN quận Cẩm Lệ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, trong số 12 nước tham gia TPP lần này, Việt Nam và Peru là hai nước được xếp ở nhóm cuối cùng có nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào hoạt động khai thác tài nguyên (so với sự phát triển dựa vào công nghệ cao, chất lượng và hiệu quả sản xuất của 2 nhóm còn lại).

Ngay cả với AEC, Việt Nam cùng Lào, Campuchia và Myanmar cũng được gia hạn thêm 3 năm để hội nhập với khu vực một cách toàn diện. Điều này cho thấy, nền kinh tế của nước ta còn yếu, khi cánh cửa hội nhập sâu rộng chính thức mở ra thì bên cạnh những cơ hội là thách thức vô cùng lớn.

“Gần 10 năm trước, chúng ta đã kỳ vọng rất nhiều khi gia nhập vào WTO, nhưng thực tế, hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Để không lặp lại điều này, trong quá trình hội nhập TPP và AEC sắp tới, ngoài sự nỗ lực tự thân của các DN, đề nghị các hiệp hội DN đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền đến hội viên cũng như DN trên địa bàn hiểu rõ những thời cơ và thách thức khi hội nhập; nên ký kết với Sở Khoa học-Công nghệ thành phố  chương trình hỗ trợ DN đổi mới, nâng cao công nghệ một cách nhanh chóng. Đồng thời, các hiệp hội cùng với thành phố chú trọng triển khai thực hiện Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” hiệu quả, thực chất”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhấn mạnh.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.