Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam siết lại hoạt động của ngành với những quy định chặt chẽ hơn thì đã có những NH mà NHNN buộc phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Hệ lụy đến với doanh nghiệp (DN) có quan hệ tín dụng với NH đang bị kiểm soát cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt nên các khoản cho vay phải được Ban kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mới được phép giải ngân. Trong ảnh: Ngân hàng GPBank - Chi nhánh Đà Nẵng. |
Khách hàng “VIP” bị kẹt
Thời gian gần đây, một số DN trên địa bàn thành phố có quan hệ tín dụng với các NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt hoặc các NH gặp khó buộc phải sáp nhập đã rơi vào tình cảnh vạ lây do dòng tín dụng bị dừng. Thậm chí, không ít lãnh đạo DN lo lắng khi NH liên tục gửi thông báo thu hồi nợ, trong khi đó các DN không thể có tài sản bảo đảm để thế chấp NH khác vay vốn trả nợ cho NH mà DN đang có quan hệ tín dụng.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H (Công ty K&H) cho biết, hàng hóa và tài sản của công ty ông trị giá gần 10 tỷ đồng thế chấp tại NH Dầu khí toàn cầu (GPBank), Chi nhánh Đà Nẵng (đây là một trong những NH đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt của NHNN) để xây dựng hạn mức 6 tỷ đồng và giải ngân khi có nhu cầu phát sinh.
Ngày 6-4-2015, Công ty K&H ký hợp đồng kinh tế với một DN tại thành phố Hồ Chí Minh mua một hệ thống nhà xưởng trị giá 1,98 tỷ đồng và chuyển trước 200 triệu đồng cho DN này. Cùng ngày, Công ty K&H làm ủy nhiệm chi gửi lên GPBank Đà Nẵng để chuyển 200 triệu đồng tiền đặt cọc cho công ty đối tác, GPBank Đà Nẵng đồng ý và chuyển 200 triệu đồng theo yêu cầu. Trong hợp đồng của Công ty K&H với đối tác có điều kiện, sau 7 ngày làm việc nếu Công ty K&H không chuyển tiền hết cho đối tác thì sẽ mất tiền đặt cọc.
Để kịp thời nhận hàng bàn giao cho đối tác thứ ba, Công ty K&H tiếp tục trình GPBank Đà Nẵng giải ngân số tiền 1,683 tỷ đồng còn lại nhưng không được GPBank cho giải ngân với lý do hồ sơ rút tiền phải trình Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN phê duyệt... Đến nay, hồ sơ xin giải ngân của Công ty K&H vẫn không được giải quyết, vì vậy Công ty K&H chấp nhận mất số tiền cọc 200 triệu đồng, mất uy tín với khách hàng mà chẳng biết kêu ai.
Ông Khải cũng cho biết, DN của ông đang hoạt động ổn định, có quan hệ tín dụng với NH như một khách hàng VIP, bỗng dưng lao đao vì thiếu vốn do NH mình đang quan hệ tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Bây giờ ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: muốn vay NH khác cũng khó, vì tài sản đang bị kẹt ở NH này, mà trả nợ cũng không xong vì lấy đâu ra tiền. “Nếu Nhà nước, chính quyền thành phố không sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì nhiều DN như chúng tôi phải rơi vào tình trạng phá sản một cách vô lý”, ông Khải nói.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?
Theo đại diện GPBank Đà Nẵng, kể từ khi GPBank được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chi nhánh đã có 3 khách hàng đang trong tình trạng phải “treo” vốn như Công ty K&H. Bởi theo quy định, các khoản vay của khách hàng trước ngày 2-4-2015 nếu chưa giải ngân hoặc đang giải ngân, chi nhánh phải trình ra Ban kiểm soát đặc biệt NHNN phê duyệt mới được phép giải ngân.
Cùng quan điểm như NH GPBank, giám đốc một chi nhánh NH thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố cho rằng, việc giải ngân cho khách hàng không chỉ khó khăn ở các NH đang bị kiểm soát, mà kể cả những trường hợp khách hàng đã tất toán, rút tài sản về cũng rất khó khăn. Nếu NH đang hoạt động bình thường thì đây là việc làm rất đơn giản, nhưng với một NH đã bị kiểm soát đặc biệt thì quy trình, trách nhiệm xử lý vấn đề này lại phức tạp hơn và không biết phải tháo gỡ từ khâu nào.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, năm 2015, NHNN sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn diện hệ thống NH. Đa số các NH bị kiểm soát đặc biệt hoặc buộc phải sáp nhập đều có vốn điều lệ bị âm so với vốn pháp định.
Vì vậy, NHNN buộc phải mua lại với giá 0 đồng như: NH Xây dựng, NH Đại dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank)… Ông Minh cũng cho biết, việc các NH đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì dòng tiền ra - vào được kiểm soát chặt chẽ và tốn nhiều thời gian hơn nên gây phiền hà cho DN. Trước đây, khi Oceanbank đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, rất nhiều DN tại Đà Nẵng có giao dịch qua Oceanbank Đà Nẵng đã có công văn phản ánh về tình trạng chậm chuyển lương cho nhân viên và chuyển khoản cho khách hàng lên NHNN Đà Nẵng để nhờ can thiệp.
Có thể khẳng định rằng, chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém làm cho các NH mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN là cần thiết. Tuy nhiên, vòng quay vốn cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của DN. Bởi vậy, đối với việc kiểm soát những NH rơi vào khó khăn, cơ quan quản lý cũng nên sớm có những quy định đối với một số tình huống cụ thể, để khi có phát sinh thì cũng có thể giải quyết một cách nhanh nhất, tránh tình trạng DN phải rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản.
Bài và ảnh: Trọng Hùng