.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ:

Đến năm 2020, thu hút khoảng 15 triệu lượt khách

.

ĐNĐT - Sáng 26-5, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị đề ra, phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế Vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế vùng (Ảnh: Internet)

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong bảy vùng du lịch của Việt Nam bao gồm Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là vùng có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, có tiềm năng kinh tế, sinh thái môi trường to lớn và là vùng đất có bề dày lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, tạo nên tiềm năng du lịch vô cùng to lớn và giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với du lịch Việt Nam.

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó, khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đến 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 70 ngàn tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt 160 ngàn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ VH,TT-DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

Thời gian qua, du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã có bước phát triển và đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển du lịch cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương trong vùng, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo.

Các tỉnh, thành trong vùng đang tập trung phát triển thị trường khách nội địa và du lịch quốc tế với các thị trường như Đông Bắc Á, Nga, Đông Âu, Đông Nam Á…; phát triển du lịch ưu tiên sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, nhóm sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa thế giới; tổ chức không gian phát triển du lịch (các tiểu vùng du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch…); đầu tư phát triển du lịch (vốn ngân sách, kế cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và ưu tiên đầu tư 9 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia và 4 chương trình phát triển du lịch trong Vùng).

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, tỷ trọng giá trị gia tăng (GDP) du lịch các địa phương so với GDP toàn tỉnh chiếm trung bình 3% đến 3,5%. Năm 2013, toàn vùng có gần 74,5 nghìn lao động ngành du lịch, chiếm 14% lao động du lịch trên cả nước. Lượng khách quốc tế đi lại giữa các tỉnh giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2013 đạt gần 17,3%/năm - mức cao nhất trong các vùng của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch vùng vẫn còn chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể và sự liên kết phát triển du lịch toàn vùng; thiếu ổn định, thiếu bền vững.

Theo đánh giá của các đại biểu, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển của ngành du lịch nói chung và du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng; tạo ra tiền để cho công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.