Khoảng 3 năm trở lại đây, hàng loạt con tàu lớn xuất xưởng vươn khơi đánh bắt hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những con tàu lớn, đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. |
Tàu công suất lớn liên tục hạ thủy
Giữa năm 2014, gia đình ngư dân Nguyễn Sương ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho hạ thủy 3 con tàu công suất lớn, trong đó có một tàu làm dịch vụ hậu cần. Chị Hương, vợ anh Sương cho biết, sau khi xuất xưởng, những con tàu mới đã ra khơi hết sức thuận lợi, vững chãi trước những con sóng, cho thu nhập khá.
Những chuyến biển xa luôn đầy ắp cá tôm, cuộc sống của gia đình cũng như các lao động ổn định, yên tâm bám biển. “Giờ đây, gia đình tôi đã được Vietcombank Đà Nẵng thẩm định, đồng ý cho vay để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, chỉ chờ UBND thành phố phê duyệt”, chị Hương cho biết.
Trước đó, vào năm 2012, con tàu ngàn mã lực lớn nhất miền Trung ĐNa 90444 làm dịch vụ hậu cần nghề cá của anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) được hạ thủy ra khơi. Con tàu đã mang lại niềm vui không chỉ cho chính chủ nhân mà còn cho không ít ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển.
Bởi mỗi chuyến ra khơi, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa 90444 đã chở ra biển hàng nghìn cây đá, hàng nghìn lít dầu cùng với lương thực, thực phẩm để cung cấp cho ngư dân, đồng thời chở về đất liền từ 15-25 tấn hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung. “Đóng tàu hậu cần vươn khơi, chưa nói đến lợi nhuận của tàu, nhưng cái lợi nhìn thấy rõ nhất là cho ngư dân. Bởi không ít ngư dân nhờ tàu hậu cần mà bán hải sản ngay trên biển, không phải mất công chở vào đất liền vừa tốn phí, vừa mất chuyến biển”, anh Lê Văn Sang tâm sự.
Trong khi đó, năm 2011, ngư dân Trần Văn Mười đã hạ thủy con tàu câu mực lớn nhất miền Trung, có công suất gần 1.000 CV. Anh Mười cho biết, tàu đi từ 40-45 lao động, trong thời gian từ 2-3 tháng/chuyến. “Nếu năm nào mực giá cao, tàu có lãi hơn 1,5-2 tỷ đồng, còn mực giá thấp ít nhất cũng lãi hơn 1 tỷ đồng.
Các lao động nhờ đó có thu nhập trên 100 triệu đồng/3 chuyến biển”, anh Mười nói. Hiện nay, anh Mười đã được UBND thành phố phê duyệt để vay 14 tỷ đồng tại BIDV Đà Nẵng theo Nghị định 67. “Tôi sẽ đóng mới tàu vỏ thép làm nghề câu mực ở ngư trường Trường Sa. Hy vọng có thêm tàu vỏ thép vươn khơi, sẽ có điều kiện làm giàu từ biển”, anh Mười tâm sự.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, tính từ năm 2012 đến hết 2014, có hơn 10 tàu công suất từ 750 đến 1.200 CV được đóng mới, hạ thủy. Đầu năm 2015, cũng đã có 3 tàu công suất lớn của gia đình ông Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được khởi công đóng mới.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã phê duyệt cho vay theo Nghị định 67 hai trường hợp, một trường hợp khác chuẩn bị phê duyệt, đóng mới tàu vỏ thép. Trong tương lai, sẽ hình thành một đội tàu vỏ thép của Nghị định 67 để vươn khơi đánh bắt hải sản.
Điều đáng nói, để phát triển ngành thủy sản, thành phố Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân trong việc đóng mới tàu. Điển hình là Quyết định 7068 (nay là Quyết định 47) về việc hỗ trợ, đóng mới tàu.
Theo quyết định này thì đóng mới tàu có tổng công suất từ 400 đến dưới 600 CV được UBND thành phố hỗ trợ 500 triệu đồng, từ 600 CV đến dưới 800 CV được hỗ trợ mức 600 triệu đồng, từ 800 CV trở lên được hỗ trợ mức 800 triệu đồng và hỗ trợ 100% phí và lệ phí đăng ký, đăng kiểm và đăng ký kinh doanh cho tàu. Ngoài ra, những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ bảo hiểm, bình chữa cháy, ICOM, máy định vị, dò cá…
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Sau ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng chỉ có những con tàu dưới 20 CV và những ghe máy đánh bắt ở ven bờ, hiệu quả kinh tế rất thấp. Đến năm 1997, khi Chính phủ có Quyết định 393 về phát triển dự án đánh bắt xa bờ, Đà Nẵng bắt đầu đóng những con tàu có công suất lớn hơn, từ 90 CV đến 165 CV.
Để phát triển ngành thủy sản, Đà Nẵng đã cơ cấu lại tàu thuyền, chuyển dịch theo hướng giảm loại công suất nhỏ, tăng tàu công suất lớn. Đến nay, Đà Nẵng đã có 300 tàu từ 90 CV đến 390 CV, 120 chiếc từ 400 CV đến 1.300 CV. Những con tàu lớn ấy đã bám biển dài ngày, góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngư dân Trần Văn Mười, chủ tàu câu mực ĐNa 90567 lớn nhất miền Trung tâm sự: “Mỗi năm, tàu chúng tôi hiện diện trên biển suốt 11 tháng trời. Giữa biển khơi mênh mông, con tàu và lá cờ Tổ quốc là cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của mình”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, hơn 35 năm làm nghề biển, trong đó có hơn 15 năm khai thác, đánh bắt xa bờ, đã không ít lần phát hiện, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta.
Theo Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, với tinh thần, trách nhiệm cao, mỗi năm, ngư dân Đà Nẵng cung cấp cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác hàng trăm nguồn tin có giá trị trong việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta, qua đó đã tham mưu và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, ngư dân Đà Nẵng cũng đã làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp các ngư dân bị nạn trên biển.
Minh chứng cho công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ngư dân Đà Nẵng là việc 150 ngư dân của 25 tàu thành phố ra khơi khai thác, kết hợp đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta giữa năm 2014.
Sự mưu trí, dũng cảm, không khoan nhượng của ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường truyền thống đã góp phần cùng các lực lượng chấp pháp đẩy đuổi thành công giàn khoan ra khỏi vùng biển, trả lại ngư trường truyền thống bình yên.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ