Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng tổ chức ngày 13-5.
Ứng dụng công nghệ cao là một thách thức đối với doanh nghiệp. Ảnh: Khánh Hòa |
Nhiều tham luận đã nêu lên những khó khăn, thách thức trong quá trình khởi nghiệp cũng như xây dựng vườn ươm doanh nghiệp (VƯDN) trong thời gian qua ở các thành phố lớn. Tham dự có Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện các khu công nghệ cao...
Những thách thức trong khởi nghiệp
Theo đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, VƯDN của thành phố này thành lập giữa năm 2006; những khó khăn đặt ra là thiếu vốn, cơ sở vật chất, thiếu các kỹ năng, quản lý doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, công nghệ và thiết bị chưa được chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghiệp, thiếu người dẫn dắt về kỹ thuật, điều hành nên khả năng vận hành doanh nghiệp gặp khó khăn. Để VƯDN phát triển, thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ nhiều chính sách như chính sách về cơ sở vật chất, hỗ trợ về công nghệ và dịch vụ tư vấn pháp lý...
Tại thành phố Đà Nẵng, theo khảo sát của TS. Huỳnh Huy Hòa và Hà Mai Linh Phùng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng) cho thấy, các DN cũng đang gặp khó khăn toàn diện trong nhiều lĩnh vực như vốn, lao động, công nghệ, thị trường, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phổ biến là khó khăn về tiếp cận thị trường mà đặc biệt là thị trường đầu ra trong nước, tiếp đến là khó khăn về vốn.
Bên cạnh đó, sử dụng lao động, tiếp cận mặt bằng sản xuất-kinh doanh cũng là một trong những khó khăn lớn mà các DN trên địa bàn thành phố đối mặt. Ngoài ra, về công nghệ, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp được khảo sát vướng mắc lần lượt là chi phí đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ mới và chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Bá Hội, Công ty NOVAS - hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa sản xuất công nghiệp cao được thành lập năm 2005 và hiện nay được xem như một ví dụ rất thành công của khởi nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng chia sẻ, trong thời gian đầu khi NOVAS mới khởi nghiệp, họ đã đối mặt với nhiều khó khăn như thị trường công nghiệp miền Trung chưa lớn; cạnh tranh khốc liệt với đối thủ nước ngoài; công nghệ cao nhưng đòi hỏi chi phí thấp; nhu cầu nhà máy địa phương về các sản phẩm, giải pháp công nghệ cao thấp; khách hàng mục tiêu của các công ty Việt Nam chỉ hướng đến khách hàng địa phương, sử dụng lao động chi phí thấp thay vì đầu tư chi phí cho máy móc tự động. Do vậy, khi NOVAS đi vào hoạt động và phát triển, đội ngũ công ty gặp nhiều rào cản khác nhau ở Đà Nẵng.
Ông Thống Tuấn, Công ty Ohyeap khi mới khởi nghiệp cũng đối mặt với nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất theo ông Tuấn là tìm kiếm đồng lập sáng tạo và lập trình viên giỏi. Khi văn hóa khởi nghiệp chưa được tạo ra ở Đà Nẵng và kể cả Việt Nam thì mọi người cảm thấy thoải mái với một công việc ổn định như là làm thuê cho các DN khác hơn là mạo hiểm khởi nghiệp… Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng gặp trở ngại về tài chính, không có quỹ mạo hiểm; ngoài ra, không có những lớp hoặc khóa đào tạo chuyên sâu cho khởi nghiệp công nghệ, các sự kiện công nghệ để chia sẻ kinh nghiệm…
Tạo môi trường văn hóa khởi nghiệp
Trước những khó khăn đó, những năm gần đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quan tâm việc xây dựng các VƯDN với nhiều ý tưởng về vườn ươm công nghệ cao, vườn ươm công nghệ thông tin, vườn ươm tại các trường đại học, các câu lạc bộ khởi nghiệp. Chương trình hành động “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” cũng đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp”, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập VƯDN mới trong thời gian tới, nhằm hình thành các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chủ lực và có khả năng xuất khẩu trong tương lai. Đà Nẵng đang triển khai đề án VƯDN công nghệ thông tin tại Công viên phần mềm số 2 và có kế hoạch xây dựng VƯDN công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì xây dựng và phát triển VƯDN cần có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu. Vườn ươm cần xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để tăng dần quy mô hoạt động cũng như tận dụng nguồn vốn và hiệu quả trong hoạt động của khu vực tư nhân. Theo đó, sau khoảng 2-3 năm hoạt động ổn định và huy động được vốn đầu tư nước ngoài, VƯDN nên được chuyển đổi sang hình thức DN để đạt hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư và kinh doanh, phát triển bền vững hơn.
Bà Trần Thị Như Quý (Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng hiện có nguồn nhân lực chất lượng cao, vị trí địa lý thuận lợi, cơ cấu hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường sống thân thiện, chi phí đầu tư thấp rất thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp. Một khảo sát đối với các sinh viên cho thấy, có 90% số bạn trẻ muốn khởi nghiệp, trong đó có gần 60% bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Để tạo ra văn hóa khởi nghiệp công nghệ cao, theo ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ban đầu là rất quan trọng. Ở Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã có sự quan tâm và chỉ đạo các chương trình khởi nghiệp, các trường đại học cần xây dựng các câu lạc bộ khởi nghiệp, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, bách khoa, kinh tế, các ngành khoa học khác.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, khởi nghiệp nhằm phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí tự lập, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để hình thành những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa nhiều, nội dung chưa đa dạng, chưa tạo được sự quan tâm lớn của xã hội và cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển các ý tưởng kinh doanh, trên cơ sở đó, tạo nên các DN mạnh, có thương hiệu để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
UBND thành phố hy vọng thời gian tới cộng đồng DN, các cơ sở đào tạo và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cùng nâng cao hơn nữa nhận thức về vấn đề khởi nghiệp và có các chương trình hành động hết sức cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.
NGỌC PHÚ