Kinh tế

Vốn cho tiểu thương

08:39, 05/05/2015 (GMT+7)

Rất nhiều tiểu thương tại các chợ đều được vay vốn từ Sacombank Đà Nẵng với lãi suất khá “mềm” để kinh doanh.

Nhân viên tín dụng Sacombank Đà Nẵng thu tiền lãi hằng ngày tại chợ Hàn.
Nhân viên tín dụng Sacombank Đà Nẵng thu tiền lãi hằng ngày tại chợ Hàn.

Xoay vòng kịp thời

Giữa năm 2014, thấy cán bộ tín dụng của Sacombank Đà Nẵng đến tiếp thị tại chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ), chị Nguyễn Thị Trang, buôn bán quầy hàng gốm sứ đăng ký vay 60 triệu đồng. Chỉ ít ngày sau, cán bộ tín dụng là anh Diệp Bảo Lâm đem tiền đến giải ngân tại quầy hàng cho chị. “Các tiểu thương đều cần nguồn vốn để lấy hàng hóa nên đôi lúc phải đi vay nóng.

Nhưng vay nóng hiện nay lãi suất “cắt cổ” lắm. May nhờ ngân hàng triển khai cho vay đối với tiểu thương, lãi suất vừa phải, từ 1-1,2%/tháng, nên mình vay giải quyết nợ nần cho đại lý, bổ sung được các nguồn hàng để bán”, chị Trang chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Phi (chủ tiệm cắt tóc, gội đầu) tại chợ Hàn (quận Hải Châu) cũng làm thủ tục vay tại Sacombank 30 triệu đồng để mua sắm các dụng cụ hành nghề. Chị tâm sự: “Làm nghề cắt tóc gội đầu, bọn tui đâu có vốn nhiều. Thấy anh cán bộ tín dụng đến tiếp thị, mình cũng mạnh dạn đăng ký vay.

Tưởng là khó tiếp cận, nhưng chỉ mấy ngày sau thấy họ giải ngân. Có tiền, mình đã mua sắm thêm dụng cụ, phục vụ cho công việc. Từ ngày đầu tư, nâng cấp phương tiện, việc làm ăn cũng thuận lợi hơn”, chị Phi cho biết.

Trong khi đó, tổ trưởng tổ vay vốn chợ Hàn, chị Nguyễn Thị Thu,  chủ quầy tạp hóa cho rằng, nếu các ngân hàng tạo được thuận lợi như thế này thì các tiểu thương có được nguồn vốn quay vòng kịp thời để trả cho các đại lý, bổ sung được nguồn hàng hóa buôn bán. Chị Thu lần đầu tiên vay của Sacombank 30 triệu đồng để lấy thêm hàng hóa buôn bán và được bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn tại chợ. Theo các tiểu thương, việc vay vốn không cần phải thế chấp, phía ngân hàng chỉ yêu cầu giữ hợp đồng quầy sạp. Do đó, hầu như tiểu thương nào muốn vay thì phía ngân hàng đáp ứng ngay.

Thanh toán theo ngày

Ông Nguyễn Văn Sâm, Phó Giám đốc Sacombank Đà Nẵng cho biết, hiểu được những khó khăn của các tiểu thương trong hoạt động buôn bán tại các chợ là phải đi vay nóng, vay hụi với lãi suất khá cao để lấy thêm hàng hóa, Sacombank Đà Nẵng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng, bổ sung nguồn kinh phí hoạt động đối với tiểu thương. Đến nay, đã có gần 700 khách hàng là tiểu thương hoạt động tại 15 chợ trên địa bàn thành phố được vay vốn với số tiền khoảng 24 tỷ đồng.

Ngoài thủ tục vay đơn giản, các tiểu thương được chọn phương thức thanh toán hằng ngày. Tùy thuộc vào các chợ hoạt động cả ngày hay một buổi, cán bộ tín dụng sẽ phân chia thời gian đi thu tiền. Đáp lại sự tận tụy đó của cán bộ tín dụng, ở hầu hết các quầy hàng có vay vốn, như mặc định, các tiểu thương để sẵn số tiền nộp, kẹp trong sổ vay để cán bộ tín dụng đến lấy, ghi ngày thu, số dư nợ còn lại.

Anh Diệp Bảo Lâm, cán bộ tín dụng nhận tiền, ghi sổ tại chợ Hàn cho biết: Việc trả tiền hằng ngày cho ngân hàng sẽ dễ dàng cho người vay, bởi số tiền không nhiều. Vì vậy, ai cũng thích vay theo kiểu này để tạo nguồn vốn kinh doanh.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.