.

Bảo đảm an toàn lưới điện

.

Truyền tải điện Đà Nẵng (thuộc Công ty Truyền tải điện 2 – PTC2) chỉ quản lý 3 trạm biến áp (TBA), trong đó có 1 TBA 500kV Hòa Cầm và 258km đường dây cao thế có điện áp từ 110kV đến 500kV.

Công nhân Truyền tải điện Đà Nẵng phát quang thực bì trong hành lang bảo vệ đường dây, chống cháy rừng.
Công nhân Truyền tải điện Đà Nẵng phát quang thực bì trong hành lang bảo vệ đường dây, chống cháy rừng.

Song, đây là đoạn đường dây cao thế quan trọng nhất (từ đỉnh đèo Hải Vân đến hết địa phận huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) của hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam. Đây cũng là xuất tuyến cao thế 220kV và 110kV duy nhất cấp điện cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Do đặc thù hệ thống lưới điện truyền tải đơn vị quản lý vận hành chủ yếu nằm ở đèo Hải Vân và dọc các dãy núi liên kết với dãy Trường Sơn, địa bàn trải rộng, nhiều tuyến đường dây nằm trên đèo núi, gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát và phát hiện các đám cháy. Trong khi đó, thời tiết của khu vực miền Trung luôn diễn biến phức tạp; mùa nắng nóng nguy cơ cháy rừng cao do người dân phát rẫy, đốt rừng, gây cháy lan vào hành lang tuyến; mùa mưa bão thường kéo dài, gây lũ lớn làm sạt lở chân móng cột, đường vào tuyến… nguy cơ gây mất điện rất cao.

Mặt khác, cùng với việc đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đơn vị đã và đang triển khai thi công các dự án lớn như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vành đai phía nam Hòa Phước - Hòa Khương nối dài… có giao chéo với các tuyến đường dây 220 - 500kV tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố điện.

Do tầm quan trọng và tính chất an toàn của đoạn đường dây này đối với hệ thống đường dây cao thế Bắc - Nam, ngành điện đã lắp đặt các hệ thống cảnh báo và tự động cắt điện, nhằm bảo đảm an toàn cho cả hệ thống. Chỉ cần một đám cháy nhỏ trong hành lang an toàn bảo vệ đường dây của các đường dây nói trên, lập tức hệ thống 500kV sẽ bị ngắt điện, toàn bộ hệ thống sau đó sẽ bị mất điện.

Việc mất điện (nếu xảy ra) sẽ để lại hậu quả khôn lường cho các tỉnh miền Trung, nhất là vào những ngày nắng nóng như hiện nay. Mặt khác, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 360C sẽ tuyệt đối không đuợc cắt điện, với bất cứ mục đích gì, kể cả sửa chữa nhỏ…

Nhận thức được tầm quan trọng đó, hằng năm Truyền tải điện Đà Nẵng phối hợp với Sở Công thương, chính quyền các địa phương có đường dây đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ hành lang an toàn điện; tiến hành ký cam kết trực tiếp với trên 350 hộ đang sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn điện và ký biên bản phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, các cơ quan, lực lượng Kiểm lâm để thống nhất các phương án phối hợp phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão và xử lý các tình huống có thể xảy ra trên các tuyến đường dây. Nhờ vậy, công tác phòng chống cháy rừng trong hành lang bảo vệ đường dây đã có chuyển biến tốt, từ năm 2014 đến nay chưa xảy ra sự cố nào do cháy rừng.

Ông Lê Đình Chiến, Giám đốc Truyền tải điện Đà Nẵng cho biết tuyệt đối chấp hành quy định của Chính phủ và quy định của Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam sẽ không cắt điện để cấp điện cho dân chống nóng. Tuy nhiên, những sự cố cháy rừng, do người dân đốt rẫy, đốt thực bì gây ra trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn điện (nếu có) dẫn tới việc mất điện nằm ngoài ý muốn của Truyền tải điện Đà Nẵng.

Do đó, ông Chiến bày tỏ mong muốn người dân, đặc biệt là những người dân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn đường dây cao áp, vì sự an toàn của hệ thống điện, không đốt nương rẫy trong hành lang an toàn lưới điện cao áp; đặc biệt là trong tình trạng thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.