ĐNĐT - Thuốc lá ngoại nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, bán hàng không theo giá niêm yết trong các dịp lễ hội… là những vấn nạn được nhắc đến nhiều nhất trong Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Chi cục Quản lý thị trường thành phố tổ chức vào ngày 12-6.
Trong đó, nhiều vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và nền kinh tế, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố.
Chi cục QLTT tịch thu băng đĩa nhập lậu trên địa bàn thành phố. |
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã xử lý hơn 3.665 vụ, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái với số tiền thu xử phạt 11,4 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là các vụ việc vi phạm về nhãn hàng hóa với 2.403 vụ, chiếm gần 66% tổng số vụ với số tiền xử phạt hơn 6,3 tỷ đồng.
Chi cục cũng đã tiến hành tổ chức tiêu hủy hơn 14.000 đơn vị hàng hóa với tổng giá trị ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện hàng hóa tạm giữ đang chờ tiêu hủy ước tính trị giá 350 triệu đồng.
Tuy số vụ việc vi phạm về nhãn hàng hóa như bán hàng không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ chiếm tỷ lệ cao nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là các hành vi buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Nhiều mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, đồng hồ, điện thoại, áo quần… bị các đối tượng tuồn vào địa bàn thành phố bằng nhiều phương thức khác nhau, cất giấu ở nhiều nơi cũng như móc nối với các hộ dân để che đậy hành vi vi phạm của mình. Vấn nạn buôn hàng lậu trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm diễn biến hết sức phức tạp, đối tượng sẵn sàng phản ứng khi bị phát hiện.
Trên khâu lưu thông hàng hóa, vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong khi lực lượng QLTT thành phố còn mỏng nên chưa giám sát hết được các tuyến, các ngả đường bị đối tượng buôn hàng lậu tuồn hàng vào thành phố, nhất là mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu.
“Để tăng cường công tác quản lý hàng hóa trên khâu lưu thông, từ nay đến đầu tháng 7, Chi cục sẽ phối hợp với một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để giám sát chặt và kiểm tra các xe khách, xe vận tải vận chuyển hàng hóa vào thành phố”, ông Huỳnh Tấn Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 7 cho biết.
Sau vấn nạn buôn lậu, thời gian gần đây, nhiều đơn vị và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố còn có hành vi kinh doanh vi phạm về giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, xâm phạm quyền trong sở hữu công nghiệp. Nhiều mặt hàng bị làm giả như đồng hồ đeo tay giả các nhãn hiệu Rado, Omega, Rolex…; giày thể thao giả nhãn hiệu Adidas, Nike…; dầu nhớt giả nhãn hiệu các loại Honda, Castrol… Vi phạm trong sở hữu công nghiệp ngày càng tăng, thế nhưng việc phát hiện để xử phạt lại không hề dễ.
“Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các đơn vị có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về sở hữu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở nguồn tin nên hiệu quả trong công tác xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu của đơn vị mình nên khi bị các đối tượng làm hàng nhái, hàng giả cũng không có cơ sở để xử phạt”, ông Lữ Bằng, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT cho hay.
Tại hội nghị, các Đội QLTT đã đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Nhiều tình huống được các Đội QLTT đưa ra như kiểm soát hàng buôn lậu trên khâu lưu thông, bình ổn giá thị trường trong các dịp lễ hội, phát hiện các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh các sản phẩm lưu niệm du lịch…
Từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố sẽ diễn biến phức tạp dưới tác động của nhiều mặt kinh tế - xã hội như giá xăng dầu, nhiều sự kiện và lễ hội lớn… Chi cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như thường xuyên kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa và dịch vụ trong các mùa cao điểm du lịch. Bên cạnh đó sẽ tổ chức tập huấn cho các kiểm soát viên, nhân viên nhằm nâng cao chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN