.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào các hiệp định thương mại

.

Năm 2015, việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các đối tác đã có những kết quả mang tính đột phá, trong đó có nhiều hiệp định đã đi tới phiên cuối cùng, tiến tới ký kết trong năm.

Mở đầu bằng việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam. Dự báo, với hiệp định này, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng khoảng 10 tỷ USD trong những năm tới.

Trong đó, các doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng có nhiều mặt hàng thế mạnh như dệt-may, lương thực thực phẩm, hải sản, giày dép… có cơ hội lớn để mở rộng sản xuất, phục hồi lại thị trường cũ, giàu truyền thống.

 Veston - mặt hàng cao cấp của Công ty CP Dệt-may 29-3 hiện nay.
Veston - mặt hàng cao cấp của Công ty CP Dệt-may 29-3 hiện nay.

Cùng với FTA nói trên, các hiệp định thương mại song phương khác mà Việt Nam đang đàm phán, chuẩn bị đến giai đoạn ký kết, mang lại nhiều kỳ vọng cho các DN. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được ký kết thì giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong những năm tới.

Ngoài ra, thị trường các nước ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015 với hàng loạt hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng được bãi bỏ cũng là cơ hội lớn cho các DN trong nước, trong đó có DN Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các DN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia các hiệp định. Ngành da giày là một trong những ngành sẽ gặp khó khăn khi thị trường được mở cửa. Nguyên nhân là do tỷ lệ gia công của các DN hiện nay còn cao (70%) khiến lợi nhuận ngành da giày thấp và hạn chế sự năng động của DN.

Trong khi đó, công tác tiếp thị, thiết kế mẫu mã, phát triển thị trường sản phẩm còn yếu. Các rào cản kỹ thuật, áp đặt từ phía các đối tác, các DN khó vượt qua. Đồng thời, những yêu cầu về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường do các đối tác đặt ra cũng như việc tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi từ FTA sẽ làm tăng chi phí, gây khó khăn cho DN.

Thực trạng hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm xuất khẩu của ngành da giày chỉ đạt 40%, nguồn nguyên liệu cho sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm hạn chế sự phát triển của ngành da giày.

Lãnh đạo một số DN trong lĩnh vực này phản ánh, hiện DN trong nước được hưởng lợi ít hơn so với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm cho khả năng phát triển của các DN da giày trong nước bị hạn chế.

Ngoài ra, nhiều ngành sản xuất khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, nguyên nhân là do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất yếu, làm cho tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thấp. Mặt khác, việc triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn để thực hiện các hiệp định sau khi ký kết rất chậm, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến các hiệp định.

Điều mà các DN cần là muốn biết những thuận lợi, khó khăn khi tham gia các thị trường này như thế nào; cách thức tiếp cận các quy định của các nước đối tác ra sao, các quy định về luật pháp và thậm chí là văn hóa…

Mặc dù vậy, lãnh đạo các DN cũng rất kỳ vọng vào những hiệp định mà Việt Nam và các đối tác sẽ ký kết trong năm 2015. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt-may 29-3 cho biết: Công ty là một trong số không nhiều DN đã tham gia xuất khẩu sang các nước châu Âu từ thời Liên bang Xô-viết (cũ) và hiện nay tiếp tục xuất khẩu nhiều mặt hàng cao cấp sang khu vực châu Âu. Đồng thời, công ty coi việc Việt Nam ký các hiệp định nói trên, đặc biệt là FTA là cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng truyền thống trở lại các nước châu Âu.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.