Kinh tế
Hành trình 10 năm PCI của Đà Nẵng
Trên hành trình 10 năm Việt Nam triển khai công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng giữ vị trí quán quân 5 lần và xuất sắc duy trì vị trí đứng đầu nhiều năm liền.
Lãnh đạo thành phố sẵn sàng giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương (bên trái, hàng đầu) thăm Công ty TNHH VBL Đà Nẵng. |
Có nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau thành tích này: Tại sao Đà Nẵng dẫn đầu nhiều lần nhất? Đâu là bí quyết? Đà Nẵng thực sự được gì từ PCI? Đã có nhiều ý kiến, phân tích của các chuyên gia về xếp hạng PCI của Đà Nẵng. Tuy vậy, trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập một số nội dung chủ yếu nhất trong 10 năm đồng hành với PCI và đề xuất một số giải pháp để Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh trong những năm tiếp theo.
Vị thế của Đà Nẵng qua PCI
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (Provincial Competitiveness Index) thực hiện từ năm 2005 thuộc dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ) với 42 địa phương được đánh giá đầu tiên vào năm 2005, từ 2007 tất cả các địa phương đều được đưa vào đánh giá, xếp hạng.
PCI trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Và quan trọng hơn PCI đã trở một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương và các nhà quản lý doanh nghiệp đều thống nhất là PCI là một công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách cũng như cho các nhà nghiên cứu. Các nhà hoạch định chiến lược chính sách sử dụng PCI để đánh giá khả năng và hiệu quả điều hành nền kinh tế của chính quyền cấp tỉnh và xác định lĩnh vực cần cải thiện. Các nhà nghiên cứu sử dụng để chỉ ra cách thức nâng cao chất lượng điều hành thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Và quan trọng nhất là doanh nghiệp sử dụng PCI để quyết định sẽ đầu tư vào đâu.
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đánh giá cao về phương pháp luận và kết quả PCI trong 10 năm qua của Việt Nam. GS kinh tế Benjamin Olken, khoa Kinh tế trường MIT, Cambridge, Hoa Kỳ nhận xét: “Khi thực hiện nghiên cứu về các yếu tố quyết định đến chất lượng điều hành ở các cấp địa phương, tôi đã thử tìm kiếm các cuộc điều tra trên thế giới xem có dữ liệu đo lường vấn đề này theo thời gian và có hệ thống không. Tôi phát hiện ra rằng, trên thế giới chỉ có duy nhất khảo sát PCI của Việt Nam có dữ liệu giúp so sánh chất lượng điều hành cấp tỉnh hằng năm trong khoảng thời gian dài như vậy. Đây đúng là một bộ dữ liệu tuyệt vời”. (*)
Đối với thành phố Đà Nẵng, ngay từ những năm đầu tiên tham gia PCI, môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp thành phố đánh giá khá tốt, thể hiện qua kết quả xếp hạng PCI với vị trí thứ 2 trong 3 năm liền, sau Bình Dương đứng ở vị trí dẫn đầu. Năm 2008, PCI Đà Nẵng đã đánh dấu bước đột phá, nắm giữ vị trí thứ nhất và tiếp tục dẫn đầu toàn quốc vào các năm 2009 và 2010. Sáu năm này có thể nói là thời kỳ nỗ lực mạnh mẽ nhất trong cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, việc duy trì vị thế dẫn đầu PCI là một thử thách lớn đối với thành phố trong sự cạnh tranh vươn lên quyết liệt của các tỉnh, thành cả nước. Và chúng ta đã không thể vượt qua thử thách đó trong 2 năm 2011 và 2012. PCI Đà Nẵng đã tụt hạng về vị trí cũng như điểm số: thứ 5 vào 2011 với 66,98 điểm và thứ 12 vào 2012 với 61,71 điểm.
Đến năm 2013, Đà Nẵng đã ngoạn mục trở lại vị trí dẫn đầu PCI cả nước với sự thành công của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp và ngân sách. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, trong tổng thu nội địa, tỷ trọng thu từ đất đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 21,5% và thu phát sinh từ thuế, phí của doanh nghiệp dân doanh tăng mạnh vượt qua nguồn thu từ đất, đạt gần 25%.
Năm 2014 thành phố triển khai chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” với phương châm “Sự phát triển của doanh nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của thành phố” đã thành công trên nhiều mặt, đặc biệt là đã tạo môi trường cho doanh nghiệp thành phố ổn định và phát triển sau thời gian dài sa sút (bình quân hằng năm có trên dưới 2.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản).
Cũng trong năm 2014, thu thuế, phí từ doanh nghiệp dân doanh đã đạt xấp xỉ 30% trong tổng thu nội địa, vượt xa số thu từ khai thác quỹ đất (chỉ còn 19,6%). Thành công này đã thực sự mang lại những tác động tích cực đến kết quả các chỉ số thành phần PCI, nhờ vậy Đà Nẵng tiếp tục giữ vững được ngôi vị quán quân PCI 2014.
Một trong những lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng là cơ sở hạ tầng phát triển. Đây là một trong những yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư. Hiện nay, thành phố có 6 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích trên 1.055,13ha. Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao Đà Nẵng (1.129,76ha) và Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (341ha) đang được xây dựng để thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Cảng Đà Nẵng đã được đầu tư khá tốt, năng lực bốc xếp hàng hóa đạt trên 7 triệu tấn/năm. Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện đại, có thể đón từ 4-6 triệu lượt khách mỗi năm, hàng chục đường bay quốc tế bay đến Đà Nẵng mỗi tuần. Đà Nẵng còn là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây.
Cùng với lợi thế về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng là nơi thu hút đông đảo nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được thể hiện qua kết quả PCI 2014 cho thấy Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về mức độ cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính xác là 76% doanh nghiệp FDI ở Đà Nẵng trả lời rằng đa phần lãnh đạo thành phố có xu hướng giải quyết vấn đề một cách chính thức thông qua các quy định đã ban hành, sẵn sàng giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI.
Điều này thể hiện qua việc thu hút dự án đầu tư cho các dự án nước ngoài (FDI) năm 2014 là 27 dự án với tổng vốn đầu tư trên 127 triệu USD, thu hút 9 dự án ODA với tổng vốn đạt trên 386 triệu USD. Trong tháng 5 vừa qua, Công ty Tokyo Keiki của Nhật Bản đã khánh thành nhà máy sản xuất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD và xây dựng trên diện tích 3ha.
(Còn nữa)
VÕ DUY KHƯƠNG
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng
(*) Trích dẫn trong Báo cáo PCI 2014 – Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2014.