.

Những nông dân vượt khó làm giàu

.

Cách đây không lâu họ là chủ các hộ nghèo, thế mà nay đã là những người có hướng làm ăn bền vững, hiệu quả và tài sản không nhỏ. Bí quyết nào để những nông dân này đổi đời ngoạn mục?

Ông Phạm Văn Tài bên đàn bò của mình.
Ông Phạm Văn Tài bên đàn bò của mình.

Nỗ lực không mệt mỏi

Chúng tôi gặp lại vợ chồng ông Phạm Văn Tài, ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi mà gia đình này đang có: ngôi nhà khang trang mặt tiền đường liên thôn, 2-3 xe gắn máy đắt tiền, đàn bò 45 con, vườn ươm giống cây lâm nghiệp sản lượng 300.000 - 400.000 cây/năm, 20ha rừng trồng... Cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông Tài thuộc diện hộ đặc biệt nghèo, 5 nhân khẩu tá túc trong ngôi nhà mái lá vách thưng liếp nứa ở đầu nguồn hồ Hòa Trung.

Tìm hiểu về bí quyết không chỉ thoát nghèo mà vượt lên trở thành hộ giàu có của khu vực, chúng tôi được lão nông gần 50 tuổi Phạm Văn Tài cho biết: Chẳng có bí quyết nào cả, mà chỉ là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả gia đình. Sau khi di dời khỏi khu vực xa xôi cách trở, không điện, không đường, không trường, không trạm của xóm Hòa Cường, đầu nguồn hồ Hòa Trung ra thôn Trung Nghĩa, mọi người đều nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế để sớm xóa nghèo.

Phát huy lợi thế miền núi và có khu vườn tại nơi ở cũ, gia đình đầu tư trồng rừng và chăn nuôi bò thịt; khi có vốn tích lũy, mở thêm quán tạp hóa tại nhà và xây dựng vườn ươm cây giống. Đối với rừng trồng, không còn kiểu “được chăng hay chớ” như trước mà trồng quy mô thâm canh, chăm bón chu đáo nên năng suất rất cao.

Với vật nuôi cũng vậy, chăm sóc chu đáo, thường xuyên bổ sung thức ăn tinh, từ vài ba con khi mua về chẳng mấy năm thành đàn. Công việc cứ bận rộn quanh năm, ít khi rỗi rãi. Hầu như ngày nào cả hai vợ chồng mồ hôi cũng ướt đầm lưng áo. Không ít bữa, mọi người đã nghỉ từ lâu, nhưng vợ chồng vẫn hì hục cho bò ăn, tưới keo giống.

Và rồi, sự nỗ lực không mệt mỏi của cả nhà đã được đền đáp xứng đáng. Sự nghèo túng ngày nào chỉ còn trong ký ức. Thu nhập của gia đình ông Tài tính cả ba lĩnh vực trồng rừng, ươm cây và nuôi bò, mỗi năm trừ các khoản chi phí lãi ròng 120-130 triệu đồng.

Đi từng bước vững chắc

Cách đây chừng 5-7 năm, Nguyễn Văn Sinh, quê huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) về làm rể của thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, không ít người cảm thông, chia sẻ về sự khó khăn của đôi vợ chồng trẻ mới ra ở riêng này. Thế nhưng, hiện tại ai nấy đều thầm mong có được cơ ngơi như gia đình anh Sinh mà cách đây chưa lâu còn là hộ nghèo.

Có nhà tại khu tái định cư khỏi vùng sạt lở ven sông của thôn Nam Mỹ, nhưng nhận thấy phía bên kia sông mới là nơi làm giàu, vợ chồng anh Sinh chấp nhận đến đó sinh sống với mục đích phát triển kinh tế, xóa nghèo. Thế rồi, trên vùng đất khá màu mỡ ven sông, vốn được gia đình vợ sang nhượng lại, chàng thanh niên quê Quảng Bình đã có bước đi hợp lý và vững chắc trong phát triển kinh tế. Đầu tiên, anh vay tiền mua bò giống, trồng cỏ để chủ động thức ăn. Tiếp đến, mua dê về thả nuôi.

Anh đầu tư trồng keo lai trên khoảng 3ha đất lâm nghiệp. Còn tại khu vườn gần 3ha, ngoài 5 sào cỏ quanh năm xanh tốt là vô số cây ăn quả đủ loại, ao thả cá. Cùng với máy cưa lốc sắm được, anh Sinh là một trong những thợ thu hoạch rừng trồng cừ khôi. Hễ ở đâu có rừng cần thu hoạch là người ta gọi anh. Dưới con mắt tinh tường của mình, anh xác định trữ lượng gỗ khá chính xác nên ít khi bị lỗ.

Người dân Nam Mỹ ít khi thấy Sinh rỗi rãi, ngồi quán xá bù khú với bạn bè như nhiều người khác. Anh là người của công việc. Ngoài chăm lo vườn tược tại nhà, anh tham gia thu hoạch rừng trồng, phát PAM, thu nhập khá cao. Anh cũng là người chi tiêu rất hợp lý. Ngoài trang trải cuộc sống gia đình, vốn tích lũy được anh đầu tư mua thêm bò, dê. Đến nay, gia đình anh có đàn bò 15 con, đàn dê 20 con và 6ha đất, trong đó 3ha đất vườn đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn 50 năm. Năm nào cũng vậy, gia đình anh là một trong số ít hộ ở Nam Mỹ có nguồn thu đến trăm triệu đồng.

Nói về số tài sản không nhỏ của mình, anh Sinh khiêm tốn cho biết: So với nhiều người làm ăn lớn, tài sản của mình chẳng thấm vào đâu. Song với gia đình mới gầy dựng cơ nghiệp 5-7 năm thì đó là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ có cơ ngơi này mà đời sống gia đình được cải thiện đáng kể. Có được kết quả này, yếu tố có ý nghĩa quyết định là khát khao làm giàu cháy bỏng cùng sự nỗ lực không mệt mỏi và đầu tư đúng hướng, vững chắc...

Bài và ảnh: Hoài Nam

;
.
.
.
.
.