.

Thay đổi quản trị doanh nghiệp

.

Chủ trương tái cấu trúc bộ máy của VNPT Đà Nẵng đã phát huy được hiệu quả với việc giảm nhân sự ở cấp trung gian, tinh gọn bộ máy, hiệu suất lao động tăng. Cùng với tái cấu trúc là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp (DN), trong đó triển khai bộ công cụ đo năng lực chuyên môn làm cho thu nhập của người lao động trực tiếp được tăng lên, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thu nhập.

VNPT Đà Nẵng thành công về tái cấu trúc doanh nghiệp, bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động.  			              Ảnh: NAM PHƯƠNG
VNPT Đà Nẵng thành công về tái cấu trúc doanh nghiệp, bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Cấu trúc mô hình quản lý và mô hình sản xuất

Ông Nguyễn Lắm, Trưởng phòng Tổ chức lao động - VNPT Đà Nẵng cho biết: VNPT Đà Nẵng đã thực hiện điều chỉnh mô hình tổ chức mới theo đề án “Tái cơ cấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam” và VNPT Đà Nẵng là một trong 3 đơn vị thực hiện thí điểm cùng VNPT Nghệ An và VNPT Tiền Giang.

Theo đó, mô hình mới của VNPT Đà Nẵng gồm 8 Trung tâm: Trung tâm kinh doanh, Trung tâm Điều hành thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Viễn thông 1, Trung tâm Viễn thông 2, Trung tâm Viễn thông 3, Trung tâm Viễn thông 4 và Trung tâm Viễn thông 5; 5 phòng chức năng và Văn phòng Tổng hợp.

Các Trung tâm trên là những đơn vị mới thành lập trực thuộc VNPT Đà Nẵng trên cơ sở giải thể các Công ty như Công ty Dịch vụ viễn thông, Công ty Điện thoại 1, Công ty Điện thoại 2; Viễn thông Hệ I; Điều chỉnh và tổ chức lại 2 đơn vị: Công ty Tin học và Trung tâm Điều hành viễn thông.

Ưu điểm khi triển khai mô hình tổ chức mới là phân định rõ được nhiệm vụ kinh doanh và kỹ thuật. Về kinh doanh, sát hơn với thực tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Về kỹ thuật, việc chia thành các trung tâm giúp cho quản lý, vận hành sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt mạng lưới, phát triển thuê bao thuận lợi, nhanh hơn, kịp thời hơn. Sau một năm đi vào hoạt động, VNPT Đà Nẵng đã ổn định nhanh chóng về tổ chức.

Bộ máy cán bộ và lao động được tổ chức, sắp xếp lại hợp lý, giảm mạnh lao động gián tiếp, tập trung lao động cho lĩnh vực kinh doanh, bước đầu đã phân định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm của khối kỹ thuật và kinh doanh.

Với mô hình bộ máy tổ chức mới, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị được xác định rõ ràng, chất lượng mạng lưới và dịch vụ nâng lên; kênh bán hàng mở rộng khắp trên toàn thành phố, việc tiếp cận với khách hàng thuận lợi hơn, góp phần tăng doanh thu vững chắc, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, bảo đảm tăng trưởng và hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Chìa khóa nâng cao thu nhập cho người lao động

Ở VNPT Đà Nẵng, công tác quản trị DN được triển khai thông qua bộ công cụ là “Thẻ điểm cân bằng - BSC”. BSC giúp Viễn thông Đà Nẵng đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức bộ máy dưới nhiều góc độ khác nhau, như: đánh giá hệ thống đo lường, hệ thống quản lý chiến lược và công cụ trao đổi thông tin. Cùng với BSC là hệ thống lương 3Ps cũng được triển khai để đo đếm kết quả công việc của từng cá nhân nhằm phân phối thu nhập đúng với năng lực, hiệu quả công tác của người lao động.

Ông Nguyễn Lắm chia sẻ: “Công cụ 3Ps là chìa khóa để VNPT Đà Nẵng mở ra cánh cửa thực hiện tái cấu trúc một cách đồng bộ và toàn diện. Công cụ 3Ps xóa tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; xóa cảnh người lao động “sáng cafe, chiều nhậu”, không còn kiểu lĩnh lương cào bằng, tính lương - thưởng theo thâm niên mà họ phải thực sự làm việc có hiệu quả theo những định mức, định lượng công việc đã được đặt ra trên hệ thống. Một số vị trí của bộ phận trực tiếp bán hàng thuộc Trung tâm Kinh doanh đã phát huy năng lực chuyên môn, thu nhập xấp xỉ, thậm chí có vị trí thu nhập cao hơn chức danh Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng”.

VNPT Đà Nẵng áp dụng Hệ thống quản trị mới trong DN, đó là công cụ Thẻ điểm cân bằng (BSC) và 3Ps bước đầu đã tạo nên áp lực lớn cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý và cả công nhân trực tiếp sản xuất nhưng cũng đã tạo sự công bằng, hợp lý, phản ánh đúng giá trị lao động và tạo động lực cho người lao động tăng năng suất, nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực.

Qua những khó khăn ban đầu, người lao động ở VNPT Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực bởi khi áp dụng BSC, 3Ps, họ buộc phải năng động, chăm chỉ, sáng tạo hơn; năng suất lao động tăng cao, ai cũng hăng hái làm việc. Ai cũng muốn làm thêm việc, bán thêm nhiều hàng, thêm sáng kiến mới… để lãnh lương, thưởng cao hơn.

Kinh nghiệm của VNPT Đà Nẵng khi tiến hành tái cơ cấu là có sự đồng thuận và quyết tâm cao của lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cùng sự phối hợp, đồng hành của Công đoàn cơ quan làm tốt công tác tư tưởng đối với người lao động. Khi triển khai tái cơ cấu phải luôn công khai mục tiêu, nội dung, cách làm minh bạch trong mọi tình huống nên nhận được sự đồng thuận giữa cán bộ, công nhân viên.

VNPT Đà Nẵng hôm nay đã dần xóa đi bộ máy cồng kềnh, quản trị kém hiệu quả, thiếu sáng tạo… Phấn đấu để đạt được mục tiêu của Tập đoàn VNPT Việt Nam yêu cầu sau tái cơ cấu đó là: “Chuyên biệt - khác biệt và hiệu quả’’.

NAM PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.