.

Thúc đẩy công nghiệp nông thôn

.

Nông nghiệp, nông thôn luôn là vấn đề trọng yếu của mỗi quốc gia, kể cả những nước đã đạt đến trình độ phát triển cao.

Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2005 đã đề ra nhiều biện pháp phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), trong đó nhấn mạnh: Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển mạnh các ngành công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ, cần nhiều lao động như sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác mỏ, dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, sửa chữa…

Hướng dẫn bà con Cơ-tu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) đan giỏ hàng thủ công mỹ nghệ. 					Ảnh: NGUYỄN CẦU
Hướng dẫn bà con Cơ-tu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) đan giỏ hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Hiện nay, nông thôn chiếm tới hơn 75% dân số cả nước; lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 56,8% lao động toàn xã hội, nhưng chỉ tạo ra một khối lượng sản phẩm và dịch vụ chiếm 20,89% trong GDP. Thời gian lao động không được sử dụng ở khu vực nông thôn chiếm tới 21% thời gian trong năm, tương đương với 8 triệu lao động bị thất nghiệp.

Khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn ngày càng giãn ra (năm 1996 là 2,71 lần, năm 2001 là 4,45 lần, năm 2003 khoảng 4 lần, hiện nay gần 5 lần), trong khi đó CNNT chỉ chiếm 18,20% trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành.

Do vậy, phát triển CNNT không chỉ trực tiếp góp phần phát triển ngành công nghiệp nói chung mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập ở nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”. Từ đó kéo theo dịch vụ phát triển, phát huy lợi thế nông thôn, giảm bớt sự chênh lệch về phát triển kinh tế, thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ở nông thôn. Trước đây, Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển

CNNT (còn gọi là Nghị định về hoạt động khuyến công); gần đây Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 về khuyến công của Thủ tướng Chính phủ ra đời là những văn bản có hình thức pháp lý cao nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhất là khi Nghị định 45 đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong những năm qua trên thực tiễn để hạn chế những thiếu sót, khuyết điểm.

Nhìn chung, chương trình khuyến công đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mới cho địa phương.

Các cụm công nghiệp tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai quy hoạch phát triển; các hoạt động hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm từng bước giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, cải tiến sản phẩm và có điều kiện mở rộng thị trường. Hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch trong các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn.

Từ năm 2005 đến nay, ngành khuyến công Đà Nẵng đã thực hiện 24 đề án được Bộ Công thương phê duyệt với tổng kinh phí 1,799 tỷ đồng; triển khai 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, thu hút hơn 18 tỷ đồng vốn đầu tư, 10 đề án đào tạo nghề; hỗ trợ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tại các quận, huyện; Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, Hội Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước...

Chính sách khuyến công đã hỗ trợ phát triển các cơ sở CNNT, đào tạo dạy nghề, cấy nghề, nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương.

Hoạt động khuyến công của thành phố đang gặp phải những khó khăn, như phần lớn các cơ sở CNNT hình thành tự phát, sử dụng diện tích sinh hoạt làm nơi sản xuất nên ảnh hưởng đến môi trường cũng như việc đầu tư mở rộng sản xuất, đội ngũ lao động còn thiếu chuyên nghiệp và chưa có tác phong công nghiệp, thiếu đa dạng hóa sản phẩm CNNT tiêu biểu để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường…

Do vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ đưa hoạt động khuyến công tập trung hướng vào hỗ trợ phát triển CNNT, khôi phục và phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới... Đồng thời, chương trình khuyến công cũng sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển CNNT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.

Huỳnh Viết Tư

;
.
.
.
.
.