.

Cảng Đà Nẵng - kết nối vì sự thịnh vượng

.

Định vị sản phẩm dịch vụ, xác định khách hàng mục tiêu

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng.

Cảng Đà Nẵng có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm trong vịnh nước sâu, được che chắn bởi núi Hải Vân và núi Sơn Trà… do đó, việc khai thác cảng có thể diễn ra quanh năm. Về điều kiện giao thông, Cảng Đà Nẵng gần đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông rất thuận lợi cho việc tiếp nhận hàng trung chuyển. Cảng có hệ thống giao thông đường bộ khá tốt, nối thông suốt với ga hàng không, ga đường sắt. Cách quốc lộ 1A khoảng 15km, Cảng Đà Nẵng dễ dàng kết nối với các tuyến đường 14A, 14B, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đặc biệt Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).

Với các điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, Cảng Đà Nẵng dễ dàng kết nối các vùng kinh tế trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới bên ngoài và kinh tế miền Trung trên đà phát triển. Cảng Đà Nẵng đề ra chiến lược phát triển trong giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn 2025 với định hướng mục tiêu là “Xây dựng, phát triển Cảng Đà Nẵng trở thành một trong những thương hiệu cảng biển hàng đầu của Việt Nam, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của miền Trung” như Quyết định số 2551/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng.

Trong 10 năm trở lại đây, Cảng Đà Nẵng đã định vị sản phẩm dịch vụ, xác định được khách hàng mục tiêu, đó là các hãng tàu container, tàu khách, tàu chuyên dùng hàng tổng hợp. Trong đó, dịch vụ tàu container được xem là “dịch vụ cốt lõi”; từ đó giúp cho việc định hướng công tác đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, việc tập trung vốn, công tác thị trường, bán hàng… theo hướng phát triển hàng container.

Năm 2015, Cảng Đà Nẵng phát huy các nguồn lực và làm tốt công tác thị trường để đạt sản lượng hàng hóa thông qua 6.500.000 tấn, container 260.000 TEUs, lợi nhuận 110 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 cảng Tiên Sa đã và đang được xúc tiến khẩn trương. Đến nay, được sự chấp thuận của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT Cảng Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2 Tiên Sa, đây được xem là cột mốc quan trọng để dự án có thể khởi công vào quý 1 năm 2016.

Đẩy mạnh phát triển 2 trụ cột chính

Trong kế hoạch dài hạn 2015-2020, Cảng Đà Nẵng xác định mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát là “Xây dựng và phát triển cảng theo hướng hiện đại với 2 trụ cột chính là đẩy mạnh dịch vụ khai thác cảng, bao gồm dịch vụ tàu container, tàu khách, tàu có trọng tải lớn; hình thành và phát triển dịch vụ logistics bao gồm: dịch vụ kho bãi, đóng rút hàng, vận tải, khai báo hải quan… xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của miền Trung”.

Trên cơ sở phân tích đánh giá môi trường kinh doanh, nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, sự hội nhập của nền kinh tế và phân tích môi trường nội bộ, Cảng Đà Nẵng đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng hàng hóa thông qua 10 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 450.000 TEUs (hàng tổng hợp tăng trưởng bình quân 10%/năm, hàng container tăng 15%/năm). Về đầu tư và phát triển: giai đoạn 2015-2018, tiến hành đầu tư phần 1 giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 1.070 tỷ đồng, đầu tư 20ha kho bãi tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), xúc tiến chuẩn bị đầu tư 16ha kho bãi container tại khu vực Sơn Trà.

Để đạt được các mục tiêu giai đoạn 2015-2020, Cảng Đà Nẵng đề ra một số nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về thị trường: Tiếp tục thâm nhập thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới. Xác định vùng hậu phương của Cảng Đà Nẵng, bao gồm các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan dọc theo EWEC. Thường xuyên thực hiện nghiên cứu, khảo sát thị trường, thu thập thông tin để có dự báo sản lượng hàng hóa, nhu cầu vận tải trên vùng hậu phương cảng, qua đó xây dựng các chính sách marketing phù hợp đáp ứng yêu cầu và mong muốn của khách hàng... Từ thông tin của khách hàng để có cơ sở tiếp tục đầu tư phát triển cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, quảng cáo truyền thông cũng được chú trọng nhằm cung cấp thông tin về cảng đến khách hàng và giới hữu quan.

 Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển và nguồn vốn huy động: Công tác đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020 theo hướng phát triển dịch vụ tàu container, tàu khách và tàu chuyên dùng có trọng tải lớn. Trong đó, trọng tâm vẫn là đầu tư Dự án giai đoạn 2 Tiên Sa (để phục vụ tàu container) bao gồm các hạng mục xây dựng bến 50.000 DWT dài 310 mét cho tàu container trọng tải đến 50.000 DWT, tàu tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu khách 100.000 GT; xây dựng bến 20.000 DWT dài 210 mét cho tàu container 20.000 DWT; đầu tư 2 cẩu QC đầu tàu, các thiết bị nâng hạ và hạ tầng kỹ thuật khác. Đầu tư các kho bãi hậu cần của cảng tại khu vực Sơn Trà và kho bãi Hòa Nhơn dự kiến tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Đầu tư các thiết bị nâng hạ đầu bãi, cho hàng container (2 cẩu RTG), hàng tổng hợp, các công trình hạ tầng phụ trợ... các hạng mục khác dự kiến khoảng 300 tỷ.

Về nguồn vốn huy động, đối với giai đoạn Cảng 2 Tiên Sa, Cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA của Nhật tài trợ, thay vào đó, cảng dự kiến sử dụng 50% vốn tự có và 50% vốn tín dụng bên ngoài.

Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài: Thực hiện công tác quản trị nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, bắt đầu từ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, chú trọng đến kế hoạch nhân sự hằng năm, thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá nhân viên... một cách công khai, minh bạch nhằm thu nhận người phù hợp và giữ người giỏi cho công ty. Thực hiện mô tả công việc và bố trí chức danh phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng người kèm theo chính sách đãi ngộ hợp lý để người lao động gắn bó với công ty, tạo điều kiện để công nhân viên phát huy sức sáng tạo, làm việc tận tâm, trách nhiệm hướng đến sản phẩm cuối cùng mà họ cống hiến, hướng đến khách hàng mà họ phục vụ.

Nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh: Từ các mục tiêu tổng quát, dài hạn của chiến lược kinh doanh, cảng thực hiện công tác quản trị chiến lược, tất cả các cấp từ lãnh đạo Cảng, các phòng, ban, đơn vị đến tổ, đội sản xuất, nhân viên đều được cấp trên trực tiếp giao mục, tiêu nhiệm vụ cụ thể. Các cấp quản trị chủ động thực hiện tiến trình PDCA (Hoạch định - Tổ chức thực hiện - Kiểm tra - Phản hồi). Trong đó chú trọng việc đánh giá, phản hồi của cấp trên trực tiếp với cấp dưới. Về quản trị sản xuất được xem là khâu then chốt, chú trọng đổi mới công tác tổ chức sản xuất, công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, tuyển chọn công nhân có tay nghề cao..., khuyến khích người lao động làm việc tận tâm, trách nhiệm và áp dụng sáng kiến trong quản lý, sản xuất. Về quản trị thị trường được xem là khâu quan trọng, được quản trị theo hướng chuyên nghiệp, nhân viên có chuyên môn giỏi, yêu công việc, gắn bó với công ty. Đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng có kỹ năng quan hệ khách hàng và giỏi trong đàm phán. Công tác quản lý chi phí sản xuất, quản lý dòng tiền, quản trị nhân sự cũng được đổi mới, cải tiến theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng về với cảng.

Xây dựng văn hóa công ty, Cảng Đà Nẵng bắt đầu xây dựng bằng công tác phổ biến kiến thức chung để mọi cán bộ, công nhân viên nhận biết lợi ích của văn hóa doanh nghiệp. Sau nhận thức, tiếp đến là định hình văn hóa doanh nghiệp thông qua xây dựng triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi; tầm nhìn, sứ mệnh, các chuẩn mực hành vi và các biểu tượng nhận dạng của Cảng Đà Nẵng. Tiếp theo là triển khai xây dựng, ban hành các bộ quy tắc ứng xử, bổ sung sửa đổi các quy chế , quy định của công ty, tiến hành thay đổi những yếu tố hữu hình như kiến trúc, màu sắc, nội thất văn phòng, nghi thức... sao cho phù hợp với văn hóa của mình. Cuối cùng là duy trì và cập nhật để văn hóa công ty luôn phát triển, không bị lạc hậu, mai một. Các hoạt động văn hóa doanh nghiệp trong Cảng lúc này sẽ phát huy tác dụng như là công cụ tích cực trong việc quản lý, điều hành Cảng. Văn hóa doanh nghiệp được xem là tài sản của Cảng Đà Nẵng.

Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh qua 5 năm cho thấy Cảng Đà Nẵng giữ tốc độ phát triển ổn định, sản lượng tăng trưởng bình quân 16,2%/năm, doanh thu tăng bình quân 18,2%/năm, lãi trước thuế tăng bình quân 77,03%/năm, vốn chủ sở hữu trong 5 năm tăng 3 lần,  tổng mức đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 385.646 triệu đồng.

NGUYỄN HỮU SIA, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.