ĐNĐT - Thành phố chủ trương xây dựng tuyến đường Lê Duẩn không chỉ là phố chuyên doanh thời trang mà còn là điểm mua sắm hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước nhằm góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Đà Nẵng. Vì vậy, các sở, ban, ngành cùng nhân dân cần tăng cường giám sát về mỹ quan và chất lượng của công trình để đảm bảo đúng tiến độ thi công.
Để phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn giai đoạn 2 đi vào hoạt động đúng tiến độ và hiệu quả, lãnh đạo thành phố yêu cầu các phường và quận Thanh Khê phối hợp với nhân dân tăng cường công tác giám sát cộng đồng. |
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết trong cuộc họp với các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình để thông báo chủ trương và tổ chức khởi công xây dựng phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn giai đoạn 2 vào ngày 17-7.
Theo Ban quản lý dự án giao thông nông thôn Đà Nẵng, phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn giai đoạn 2 (đoạn từ ngã tư Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang) có tổng chiều dài khoảng 1,1 km. Công trình bao gồm 8 hạng mục với tổng số vốn đầu tư hơn 60 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 75%, ngân sách quận chiếm 25%, người dân tự bỏ phí sửa chữa mặt tiền và thay bảng hiệu mới.
Dự kiến kế hoạch đấu thầu sẽ được phê duyệt vào ngày 20-7, khởi công công trình vào ngày 20-8 và sẽ đưa tuyến phố này đi vào hoạt động cuối năm 2015. Riêng một số công trình ngầm hóa lưới điện sẽ được Công ty TNHH MTV Điện lực thành phố làm trước bắt đầu từ ngày 30-7.
Thống kê từ UBND quận Thanh Khê cho thấy, trong tổng số 249 hộ gia đình thì chỉ có 103 hộ chuyên kinh doanh thời trang các loại, chiếm 41,3%. Hiện có rất nhiều hộ kinh doanh sắt thép, sửa chữa xe máy, may da mui nệm, quán ăn… đã hoạt động lâu năm nên việc chuyển đổi ngành nghề với họ là rất khó khăn. Bên cạnh đó, trên đoạn đường này còn có 67 hộ buôn bán vỉa hè, đa phần là lao động nghèo nên cũng khó bố trí công ăn việc làm mới cho các hộ để đảm bảo đời sống dân sinh.
Tại cuộc họp, vấn đề được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất là việc sử dụng bạt quay sao cho hợp lý để vừa đảm bảo sức khỏe vừa không làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các hộ trong điều kiện thời tiết bất lợi.
“Khi thành phố yêu cầu chúng tôi tháo dỡ bạt quay cũ, chúng tôi đều nhất loạt đồng thuận. Tuy nhiên mấy tháng rồi, tình hình kinh doanh của gia đình gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng làm hư hỏng hàng hóa, sức khỏe của người thân cũng không đảm bảo. Chúng tôi mong muốn thành phố cho chúng tôi sử dụng bạt quay mới theo mẫu mã và kích cỡ đồng nhất để che nắng che mưa, đảm bảo đời sống của người dân”, chị Phan Thị Ngọc Nguyệt (số nhà 233 Lê Duẩn) bày tỏ.
Về vấn đề ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, người dân cũng lo lắng độ an toàn của các hạng mục cũng như mong muốn các nhà thầu thi công theo hình thức cuốn chiếu, làm đoạn nào xong đoạn đó, đảm bảo đời sống dân sinh cũng như điều kiện đi lại của người dân trên đoạn đường này.
“Nhà thầu khi xây dựng công trình lúc nào cũng khẳng định là an toàn nhưng khi xảy ra sự cố gì thì ai chịu trách nhiệm? Người dân chúng tôi mong muốn đơn vị thi công làm sao đảm bảo tính an toàn ở mức tối đa, đồng thời để người dân tham gia vào quá trình kiểm tra và giám sát thi công”, ông Phan Xuân Trí (số nhà 78 Lê Duẩn) nói.
Ngoài ra, những vấn đề như yêu cầu xe buýt không nên sử dụng còi hơi, khắc phục ngập cục bộ tại ngã tư Hoàng Hoa Thám và Lê Duẩn, đặt các thùng rác đúng nơi quy định, thay các thùng rác đã hư hỏng, bố trí ghế ngồi và các trạm biến áp hợp lý… cũng là bức xúc người dân kiến nghị lên lãnh đạo thành phố khắc phục trong quá trình thi công đoạn đường này. Mong mỏi lớn nhất của người dân là các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công của công trình như kế hoạch đề ra, không nên để “nhà này ngó nhà kia” mà không biết công trình khi nào mới xong.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết yêu cầu các sở, ban ngành từ nay đến cuối tháng 7 phải dán bản vẽ thiết kế thi công công trình tại 3 phường Chính Gián, Thạc Gián và Tân Chính để người dân theo dõi; đề nghị Sở Xây dựng đến ngày 25-7 phải công bố mẫu mã, chất lượng bạt quay mới để người dân đồng loạt đưa vào sử dụng; giao cho quận Thanh Khê phối hợp với Ban quản lý các chợ trên địa bàn quận bố trí các hộ kinh doanh vỉa hè vào chợ để đảm bảo đời sống cho người dân.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị nhân dân tăng cường giám sát cộng đồng và phản ánh đến đường dây nóng của thành phố những bất cập trong quá trình thi công; đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng, mặt hàng, đảm bảo chất lượng để giới thiệu với người dân và du khách khi tuyến đường khai trương vào dịp cuối năm.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN