Mục tiêu chung của dự án Khu công nghệ cao (CNC) thành phố là thu hút các nguồn lực CNC trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển CNC, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC và phát triển thị trường khoa học và công nghệ...
Mục tiêu dài hạn là hình thành một trong những trung tâm quốc gia về CNC, liên kết, nghiên cứu các trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực CNC và chuyển giao công nghệ.
Các đơn vị thi công hệ thống thoát nước và nền đường tại đường số 5 Khu công nghệ cao. |
Dự án đang được triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, trong đó cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 328ha, tiến hành giải tỏa 1.266 hồ sơ và di dời 14.231 ngôi mộ. Riêng khu mở rộng 64,43ha (bổ sung thêm vào giai đoạn 1) đang tiếp tục triển khai đền bù, giải tỏa, gồm 911 hồ sơ và 518 ngôi mộ; trong đó giải ngân, bàn giao mặt bằng được 377 hồ sơ, di dời hơn 200 ngôi mộ.
Đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã cơ bản hình thành với hơn 150ha đất sạch có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, cấp điện, cấp nước, công nghệ thông tin... sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Ông Hồ Thuyên, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu CNC cho biết, Ban quản lý và các đơn vị thi công phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật của 200ha (đất sạch với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật) giai đoạn 1 để đón các nhà đầu tư.
Song song với công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Ban quản lý triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng. Hiện nay, đã có 3 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 2 dự án 100% vốn đầu tư Nhật Bản là Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (đã đi vào hoạt động, thu hút gần 100 lao động tại địa phương) và Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (đang xây dựng nhà máy với tổng số vốn đầu tư là 70 triệu USD).
Cả 2 công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với tiêu chí lựa chọn của Khu CNC. Dự án thứ ba là Cơ sở nghiên cứu và phát triển vật liệu mới trong xây dựng (đầu tư trong nước) với tổng số vốn 10 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology tọa lạc ngay khu trung tâm của dự án |
Tuy nhiên, so với quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dự án triển khai chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do nguồn vốn cấp cho dự án luôn thiếu so với kế hoạch tiến độ.
Theo Quyết định số 2423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Khu CNC Đà Nẵng có tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 (2012-2015) là 3.462 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 1.792 tỷ đồng, vốn địa phương 498 tỷ đồng và vốn khác 1.172 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi dự án được khởi công đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 835,3 tỷ đồng, đạt khoảng 24,1%.
Như vậy, nhu cầu vốn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng theo kế hoạch giai đoạn 1 còn lại hơn 2.617 tỷ đồng (khoảng 75%), trong đó vốn ngân sách Trung ương còn lại hơn 1.064 tỷ đồng (khoảng 60%) và vốn ngân sách địa phương còn hơn 330 tỷ đồng (khoảng 66%). Trong khi đó, thời gian để thực hiện giai đoạn 1 của dự án theo Quyết định số 2423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn 5 tháng.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều vướng mắc. Ban quản lý cho biết, việc bố trí đất cho Giáo họ Hòa Mỹ để xây dựng nhà nguyện, hoặc việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải và phần cuối kênh thoát lũ hồ Hòa Trung... chưa có mặt bằng bố trí. Thiếu đất bố trí tái định cư các hộ dân (khoảng hơn 500 lô) nên việc thi công hạ tầng kỹ thuật tại khu vực này chậm do chưa có mặt bằng.
Để hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra thì nhu cầu vốn cần bố trí hằng năm khoảng 450-500 tỷ đồng, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến chỉ huy động khoảng 200-250 tỷ đồng/năm. Việc thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm chậm tiến độ triển khai dự án và ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích 1.129,76ha, tổng vốn đầu tư 8.841,1 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 3.142,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.491,5 tỷ đồng, vốn khác 4.206,9 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2012 đến năm 2015, vốn đầu tư 3.462 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2018, vốn đầu tư 2.461 tỷ đồng và giai đoạn 3 từ năm 2019 đến năm 2020, vốn đầu tư 2.918 tỷ đồng. |
Bài và ảnh: Đức Thịnh