Tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ ngày 1-1-2013 đến 30-6-2015 là hơn 1.279 tỉ đồng. Tổng số thu được bằng 16,41% so với kế hoạch tại đề án xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ đưa ra là 2.600 tỉ đồng/năm.
Kiến nghị Thủ tướng tạm thời dừng thu phí đường bộ với xe máy từ ngày 1-1-2016 |
Thông tin từ Bộ GTVT ngày 23-7 cho biết Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương - vừa chính thức có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô (gồm môtô và xe gắn máy - PV) từ ngày 1-1-2016.
Theo Bộ trưởng Thăng, căn cứ tình hình thực tế triển khai thu phí của các địa phương, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đánh giá về việc thực hiện thu phí sử dụng đường đối với môtô và đã nhận được báo cáo của 32/63 tỉnh, thành phố (các địa phương khác không có văn bản trả lời).
Tổng hợp từ báo cáo các địa phương, tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ 1-1-2013 đến 30-6-2015 là hơn 1.279 tỉ đồng (1.279.696.392.466 đồng). Tổng số thu được bằng 16,41% so với kế hoạch tại đề án xây dựng Quỹ Bảo trì đường bộ đưa ra là là 2.600 tỉ đồng/năm
Trong tờ trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: qua số liệu thu thực tế nêu trên, sau hơn hai năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô, có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu sáu tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.
Số thu phí đối với xe môtô thấp là do các nguyên nhân sau:
- Việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe môtô trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách
- Chế tài xử phạt được quy định tại Điều 11, thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11-9-2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện.
Do vậy, sau một năm đầu tiên thực hiện đóng phí, nhiều chủ phương tiện không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo.
Hiện nay, việc thu phí phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân, tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn
Có sự di chuyển của một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập ngoài tỉnh, mang theo xe máy nên có sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặc dù một số địa phương có báo cáo vẫn đề nghị tiếp tục thu phí, tuy nhiên Quỹ bảo trì đường bộ trung ương nhận thấy số thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với môtô còn rất thấp, biện pháp tổ chức thu không hiệu quả, chế tài xử phạt khó thực hiện nên việc kiểm soát phương tiện chấp hành đóng phí chưa nghiêm, nên việc thu phí mang lại hiệu quả thấp, người dân chưa tự giác đóng phí mặc dù mức thu rất thấp (trung bình 70.000 đồng/xe/năm).
Bên cạnh đó, có địa phương thực hiện thu nhưng cũng có địa phương lại chưa thu hoặc dừng thu (như TP. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa...), tạo sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Do đó, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương kính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ ngày 1-1-2016.
Bộ trưởng Thăng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.
Theo Tuổi trẻ