.

Mở rộng, nâng cấp cảng cá Thọ Quang: Cẩn trọng với ô nhiễm môi trường

.

Tháng 3-2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị UBND thành phố quy hoạch thêm khu trú bão và cảng cá mới có diện tích mặt nước 30ha, mặt đất 3ha.

Tàu thuyền đánh bắt công suất nhỏ, chất lượng hải sản thấp là nguyên nhân gây phát thải ô nhiễm môi trường, cản trở sự đầu tư phát triển nghề cá.
Tàu thuyền đánh bắt công suất nhỏ, chất lượng hải sản thấp là nguyên nhân gây phát thải ô nhiễm môi trường, cản trở sự đầu tư phát triển nghề cá.

Đến tháng 5-2015, Sở NN&PTNT chuyển hướng sang kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang. Các đề xuất này đều dừng lại và dè dặt triển khai bởi ô nhiễm môi trường từ nghề cá tác động xấu đến hoạt động đầu tư phát triển du lịch.

Có tiền vẫn để đó

Theo Nghị quyết 33-NQ/TW và Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẽ xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm nghề cá của cả nước. Bộ NN&PTNT cũng xác định Đà Nẵng sẽ là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của Việt Nam.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm cho Đà Nẵng một khu tránh trú bão và cảng cá cấp quốc gia. Với định hướng phát triển này, Sở NN&PTNT thành phố tiếp cận được những kênh vốn từ Trung ương để đầu tư phát triển. Thế nhưng, định hướng đầu tư phát triển kinh tế đang cân nhắc giữa sự lựa chọn phát triển mạnh nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản hay phát triển du lịch.

Trở lại với thời điểm một năm trước, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đã dừng lại. Quy hoạch phát triển mở rộng khu tránh trú bão và cảng cá thực sự đã không còn mặt đất, mặt nước. Khu vực vịnh Mân Quang đã quy hoạch xây dựng Công viên Đại dương tầm cỡ quốc tế; vệt tuyến sông Hàn là những dự án cầu tàu, bến du thuyền và các dự án phát triển du lịch, công trình kiến trúc đô thị.

Biết được sự khó khăn về quy hoạch phát triển nên Sở NN&PTNT thành phố đã tập trung nghiên cứu nâng cấp cảng cá Thọ Quang để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá. Theo đề nghị của Sở NN&PTNN, việc nâng cấp cảng cá Thọ Quang dự kiến sử dụng khu đất 28.051m2 và 5.108m2 diện tích mặt nước cùng việc sử dụng 2.803m2 đất trong khu vực để sử dụng vào mục đích giao thông.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sẽ được đầu tư khu tiếp nhận thủy sản, kho xưởng; cầu tàu; mở rộng chợ thủy sản… Kênh vốn đầu tư từ Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn dè dặt bởi lo ngại về ô nhiễm môi trường. Hiện tại, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vẫn là địa điểm phát tán ô nhiễm môi trường.

Giải quyết môi trường sẽ tiếp nhận đầu tư

Sở Xây dựng cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang của Sở NN&PTNT phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển Đà Nẵng thành trung tâm nghề cá. Một số nội dung quy hoạch xây dựng cần được điều chỉnh như mật độ xây dựng, lộ giới.

Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, dù đã nỗ lực cải thiện môi trường nhưng khu vực Thọ Quang vẫn là điểm ô nhiễm. Ông Tám chỉ thẳng nguyên nhân chính của sự ô nhiễm này là do hoạt động sản xuất chế biến thủy sản; tại âu thuyền và cảng cá phát thải ô nhiễm của những loại hải sản nhỏ như cá vụn, phế phẩm chế biến thức ăn gia súc.

Sở Tài nguyên-Môi trường khẳng định khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với cảng cá mới ở khu vực vịnh Mân Quang cùng với khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực này. Tàu thuyền của các tỉnh, thành trong vùng tập trung về, xả toàn bộ chất thải xuống cảng cá Thọ Quang.

Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm, các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT đang xây dựng phương án và nỗ lực kiểm soát, xử lý môi trường. Đây là điều kiện cần để dự án nâng cấp và mở rộng cảng cá Thọ Quang sớm được khả thi.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.