Kinh tế

Nhân lực ngành du lịch Đà Nẵng: Chuẩn bị cho hội nhập

07:42, 30/07/2015 (GMT+7)

Chỉ còn vài tháng nữa, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong hợp tác phát triển du lịch ASEAN chính thức có hiệu lực.

Các hội thi tay nghề được tổ chức chính là cơ hội để những người làm nghề trải nghiệm và học hỏi. Trong ảnh: Các đầu bếp thi nấu ăn tại Hội thi Đầu bếp giỏi 2015.
Các hội thi tay nghề được tổ chức chính là cơ hội để những người làm nghề trải nghiệm và học hỏi. Trong ảnh: Các đầu bếp thi nấu ăn tại Hội thi Đầu bếp giỏi 2015.

Đây là cơ hội mới cho các doanh nghiệp có được đội ngũ lao động chuyên nghiệp và hiệu quả nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Liệu nhân lực ngành du lịch Đà Nẵng có đáp ứng được yêu cầu chung của khu vực để thực sự phát triển và vươn tầm?

Không theo kịp tốc độ phát triển

Những năm qua, du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ phát triển giai đoạn 2005-2010 đạt 22%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 18%/năm. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch có trên địa bàn thành phố tính đến tháng 6-2015 khoảng 478 cơ sở với 17.600 phòng, tăng 3.400 phòng so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện Đà Nẵng đang có gần 1.800 hướng dẫn viên du lịch; tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố năm 2015 gần 25.000 người, dự tính đến năm 2020, cần khoảng trên 34.000 người. Có thể thấy, ngành du lịch phát triển nhanh đang đặt ra nhiều khó khăn về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp (DN) nếu không có những đổi mới mang tính đột phá trong khâu đào tạo.

Với tốc độ tăng từ 1.000-3.000 phòng khách sạn/năm như hiện nay thì việc tuyển dụng được lao động với các DN cũng không hề dễ chứ chưa nói đến chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, đa số các DN du lịch phải đào tạo lại nhân viên sau khi đã tuyển dụng, thậm chí có một số vị trí rất khó tuyển dụng như quản lý khách sạn, nhân viên buồng, nhân viên phụ bếp, bếp trưởng…

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố cho rằng, nguồn nhân lực du lịch chính là cơ sở để nâng cao chất lượng và đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững; vì vậy, khi thỏa thuận nghề du lịch thừa nhận lẫn nhau, không chỉ những người đang làm trong ngành du lịch phải cố gắng để nâng cao chất lượng dịch vụ mà các sinh viên đang theo học trong ngành này cũng cần phải chuẩn bị kiến thức cũng như những kỹ năng mềm một cách chu đáo nhất để tìm kiếm cơ hội việc làm khi ra trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Là một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch thành phố, thời gian qua, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng đã đào tạo được trên 1.200 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, 1.200 học viên trình độ sơ cấp nghề; 900 học viên bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu của các doanh nghiệp, khách sạn 4, 5 sao như khách sạn Mường Thanh, Fusion Maia, Vinpearl, Olalani Resort, Hyatt Rengency Da Nang… và khoảng 1.800 học viên bồi dưỡng ngắn hạn khác.

Theo ông Ngô Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, liên kết với các DN để học viên được thực hành nhiều hơn; cùng với đó là cải tiến chương trình đào tạo, thường xuyên cử giáo viên đi học các nước tiên tiến như Malaysia, Úc, Thái Lan…; tổ chức các hội thi tay nghề để các sinh viên có cơ hội được trải nghiệm và học hỏi.

Ở phía DN, ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Đà Nẵng cho biết công ty sẵn sàng nhận các học sinh năm cuối của một số trường đào tạo nhân lực du lịch đến thực tập. Ông Đoàn Hải Đăng cũng đề xuất nên có thêm những môn học sát với thực tế của ngành như thiết kế tour, đào tạo các môn tiếng hiếm…;  tăng cường phối hợp hướng nghiệp để các em tự tin khi ra trường.

Ông Ronald Thill, Tư vấn trưởng dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam” (VIE/031) của Luxembourg cũng nhận thấy mối quan hệ giữa nhà trường và DN tại Việt Nam còn hơi xa rời nhau, điều này không tốt cho cả hai bên, vì vậy phải có sự hợp tác chặt chẽ để hai bên cùng có lợi.  

Điều dễ nhận thấy là thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau tạo thuận lợi trong chuyển dịch lao động du lịch, khi thỏa thuận này có hiệu lực thì nhiều lao động trong khối ASEAN sẽ đến Việt Nam làm việc. Nếu đội ngũ lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì sẽ gặp khó khăn trong việc làm. Mặt khác các DN du lịch của các nước bạn cũng sẽ có cơ hội thu hút những lao động có tay nghề giỏi của Việt Nam. Vì vậy, cần có sự tính toán hợp lý để đảm bảo chất lượng nguồn du lịch của thành phố phát triển một cách bền vững.

Bài và ảnh: Thu Hà

.