Kinh tế
Tấm lòng của một giám đốc hợp tác xã
Xuất thân từ cán bộ ngành tài chính qua làm nông lâm, nhưng vì đam mê cơ khí, ông Trần Nhật Ninh (SN 1955, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ô-tô Liên Chiểu) đã bỏ ngang công việc để thực hiện ước mơ.
Ông Trần Nhật Ninh (phải) hướng dẫn công nhân làm việc. |
Từ một ga-ra mang tên Ninh chỉ phục vụ những chiếc xe của gia đình, giờ đây cơ sở hình thành HTX Ô-tô Liên Chiểu, trong đó ông đóng góp cổ phần hơn 2/3.
“Lão kỹ sư” không chuyên
Tại HTX Ô-tô Liên Chiểu, đồng thời là Ga-ra ô-tô Ninh (số 718, Tôn Đức Thắng, Liên Chiểu, Đà Nẵng), ông Ninh tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề: “Trước đây tôi làm bên tài chính, sau đó chuyển sang ngành nông lâm. Lúc đó, gia đình cũng có đội ô-tô nên tôi mở ga-ra, kêu thợ về làm.
Muốn tập trung phát triển ngành dịch vụ cũng như mở rộng ga-ra, năm 1992, tôi bỏ nghề để chuyển về làm cho gia đình”, ông Ninh nhớ lại. Tay ngang vào nghề, ban đầu chỉ là quản lý xưởng, sau đó ông đã học từ những người thợ của mình, rồi trở thành một “kỹ sư” không qua trường lớp.
Năm 1997, ông cùng một số thành viên thành lập HTX Ô-tô Liên Chiểu cùng với việc mở rộng ga-ra mang tên Ga-ra Ninh. Từ ngày thành lập chỉ có 5-6 đầu xe, đến nay, HTX đã có trong tay khoảng 80 ô-tô các loại từ vận tải đến dịch vụ du lịch và hơn 100 xã viên. Ông đóng góp cổ phần vốn đến 70%. “Cơ sở rộng, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề nên ga-ra ô-tô của HTX luôn đông khách.
Bình quân mỗi ngày khoảng 40 ô-tô đến đây để bảo dưỡng, sửa chữa. Có nhiều công ty nước ngoài đến ký hợp đồng bảo dưỡng cả trăm chiếc xe. Nhờ vậy, công nhân không thiếu việc làm, lương luôn đảm bảo”, ông Ninh chia sẻ.
Năm 2002, ông được các thành viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm HTX (nay là Giám đốc). Từ đó, ông cùng các thành viên trong Ban giám đốc tập trung tìm kiếm khách hàng, ký nhiều hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước về vận tải, du lịch, sửa chữa. Có những hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng lên đến cả trăm chiếc xe. “Mình làm ăn lâu rồi, tiếng tăm đã có, nhờ vậy các doanh nghiệp trong và ngoài nước luôn tin tưởng”, ông Ninh tự hào nói.
Gần đây, HTX đã thành lập đội xe chuyên dùng cứu hộ giao thông. Đây là đội xe cơ động nhất, sẵn sàng ứng cứu kịp thời tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố cùng các tỉnh lân cận. 17 năm thành lập, từ những khó khăn ban đầu, đến nay HTX ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với khách hàng, doanh thu tăng đều hằng năm. Theo ông Ninh, nếu như năm 2010 doanh thu đạt 5 tỷ thì đến năm 2014 tăng lên 10 tỷ, đồng thời luôn hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.
Chăm lo hoàn cảnh khó khăn
HTX ăn nên làm ra, ông nghĩ đến việc giúp đỡ những công nhân nghèo, những thanh niên một thời chưa ngoan. Sáng 29-6, ông cho biết vừa nhận một thiếu niên được gửi đến từ xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Chưa biết tên tuổi là gì nhưng vì người quen gửi đến nên ông nhận ngay. “Không học nổi, cha mẹ cũng sợ con hư hỏng nên tìm đến mình, vì vậy mình sẵn lòng giúp đỡ”, ông Ninh chia sẻ.
Ông cho biết, cách đây ít hôm cũng nhận một thiếu niên thuộc dạng bỏ học để vào đào tạo nghề. Ông nhẩm tính, từ ngày HTX thành lập đến nay, bản thân ông và Ban giám đốc đã nhận, đào tạo nhiều công nhân lao động nghèo. Những người đến đây được đào tạo không phải tốn phí, trái lại còn được ăn, ở. Khi họ “đủ lông đủ cánh”, nếu muốn ở lại làm việc thì HTX sẽ nhận làm, còn ai muốn ra ngoài làm cũng được HTX giúp đỡ tận tình.
Ông nhớ lại, cách đây không lâu, có 2 thanh niên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội xin vào học nghề. Được ông cùng các công nhân lành nghề tận tình dạy dỗ, khi đã thành thạo nghề thì hai chàng trai này đã trốn về, vì sợ “bắt” ở lại làm cho HTX. Tuy nhiên, sau đó họ đã điện thoại đến cảm ơn rối rít khiến ông cũng thấy vui. “Những lao động đào tạo tại HTX khi thành nghề được các nơi nhận làm việc ngay, vì có kinh nghiệm thực tế, tay nghề tốt. Vì vậy hầu hết công nhân ra nghề đều có việc làm ổn định”, ông Ninh nói.
Đặc biệt, trong thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Nhật Ninh và Ban giám đốc phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Quận Đoàn và Công an quận giúp đỡ, cho ăn ở miễn phí hàng trăm thanh, thiếu niên chậm tiến, hư hỏng và giáo dục đào tạo nghề trở thành những người có ích cho xã hội, có nghề nghiệp ổn định. Hiện tại, có rất nhiều em thanh, thiếu niên một thời chưa ngoan đã có công ăn việc làm ổn định nhờ sự giúp đỡ của ông Trần Nhật Ninh và HTX Ô-tô Liên Chiểu…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ