.

Thị trường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Còn thiếu và yếu

.

Chỉ với 190 cơ sở đang hoạt động, thị trường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng chưa thật sự sôi động như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở tâm lý ngại sử dụng dịch vụ bên ngoài của DN và bản thân các cơ sở, trung tâm hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.

Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để đón đầu làn sóng hội nhập là xu thế tất yếu.
Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để đón đầu làn sóng hội nhập là xu thế tất yếu.

Hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ như tư vấn pháp lý, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường… là xu thế chung góp phần nâng cao sức mạnh cạnh tranh của DN, nhất là trong thời điểm hội nhập sâu rộng đang đến gần. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố, trong số gần 15.000 DN đang hoạt động, chỉ có 190 cơ sở hỗ trợ DN, chiếm một tỷ lệ khiêm tốn 1,46% trên tổng số DN và tổng vốn điều lệ cũng chỉ xấp xỉ 0,65%.

Ông Đầu Xuân Đức, Giám đốc Công ty Tài chính-Kế toán Đầu Xuân Đức cho rằng, một trong những lý do khiến thị trường dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ở Đà Nẵng chưa thực sự “nóng” vì DN địa phương chưa mấy mặn mà với loại hình phục vụ này. “Thông thường, DN tự mình làm tất cả các công việc. Khách hàng thường xuyên của chúng tôi là những DN trẻ và một số DN nước ngoài. Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy, thực chất DN trong nước rất cần nhận được sự tư vấn bởi họ còn thiếu nhiều kỹ năng trong việc thành lập, quản trị DN, nắm bắt các chính sách được ban hành. Ngoài tâm lý chưa quen với việc sử dụng dịch vụ, có lẽ tại công tác quảng bá của chúng tôi chưa thực sự hiệu quả chăng?”.

Ở một khía cạnh khác, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa (NVV) Đà Nẵng giải thích, quy mô và tiềm lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố còn nhỏ, yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Vì thiếu nguồn lực (cả về tài chính lẫn nhân lực) nên trong quá trình phục vụ DN, chưa thực sự tạo ra được sức ảnh hưởng hay sự thay đổi lớn đối với họ. Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia kinh tế, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại của DN hiện nay, nhất là DN trẻ thiếu và yếu kỹ năng quản trị DN, vốn, mặt bằng sản xuất.

 “Việc hỗ trợ theo dạng truyền thống: vay vốn và giải quyết vướng mắc về mặt bằng, hầu như DN chẳng tìm đến chúng tôi vì họ tìm đến ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội hơn; còn về mặt bằng là vấn đề lớn, chỉ thành phố mới giải quyết được. Sau một năm thành lập, chúng tôi đã tiếp nhận và hỗ trợ từ 200-300 DN, chủ yếu ở lĩnh vực tư vấn về chính sách, pháp lý, đào tạo kỹ năng quản trị DN… Bản thân tôi cũng là chủ một DN, tôi cũng chưa hài lòng với khả năng hỗ trợ từ Trung tâm, nói gì đến những khách hàng khác”, ông Quân cho biết.

Với thực trạng trên, để thị trường dịch vụ hỗ trợ DN ở Đà Nẵng thực sự diễn ra sôi động, đáp ứng được nhu cầu của DN, những người hoạt động “trong nghề” như ông Đức, ông Quân mong muốn DN tin tưởng và mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng quản trị, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất; đồng thời, góp phần kích thích thị trường này phát triển hơn.

Trong thời gian tới, khi cánh cửa hội nhập sâu rộng mở ra, không chỉ DN trong nước mà DN nước ngoài đổ bộ vào thị trường Đà Nẵng thì việc tạo dựng một thị trường cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho DN hoạt động hiệu quả, sôi động sẽ hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Để làm được điều này, ông Lý Đình Quân mong muốn trong thời gian tới, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là những đơn vị trực thuộc Nhà nước được hỗ trợ thêm về nguồn lực để hỗ trợ DN về khoa học công nghệ, pháp lý cũng như có sự kết nối giữa các nguồn lực với nhau.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.