.
Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ: Còn lắm gian nan

Bài 2: Vì sao doanh nghiệp thờ ơ

.

Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những cách giúp doanh nghiệp (DN) ngăn chặn được nạn hàng giả, hàng nhái với chính sản phẩm của mình.

Khách hàng nên chọn mua sản phẩm tại cửa hàng phân phối chính thức để tránh hàng giả, hàng nhái. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua giày tại cửa hàng giày BQ.		            Ảnh: Thanh Tình
Khách hàng nên chọn mua sản phẩm tại cửa hàng phân phối chính thức để tránh hàng giả, hàng nhái. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua giày tại cửa hàng giày BQ. Ảnh: Thanh Tình

Tuy nhiên, thực tế, số lượng DN tại Đà Nẵng đăng ký SHTT không nhiều, trong khi một bộ phận DN bất hợp tác với cơ quan chức năng khiến tình trạng hàng hóa xâm phạm SHTT trên thị trường ngày càng gia tăng.

Không mặn mà đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Việc đăng ký quyền SHTT vừa chủ động phòng ngừa cho DN, vừa giúp DN tự bảo vệ hiệu quả khi có tranh chấp xảy ra. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng cho biết: “Bất cứ DN nào cũng đều muốn đăng ký quyền SHTT và mong muốn được pháp luật bảo hộ quyền SHTT chủ thể của mình. Nhất là trong tình hình hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam tràn lan trên thị trường đã bóp nghẹt sản xuất của DN, gây thiệt hại đến người tiêu dùng và nền kinh tế”.

Thế nhưng, tại Đà Nẵng, vấn đề đăng ký quyền SHTT vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến các DN chưa mặn mà với việc đăng ký quyền SHTT là tại Đà Nẵng, DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ chiếm trên 98%.

Đối với các DN này, nhận thức về vai trò của quyền SHTT trong chiến lược kinh doanh còn hạn chế; việc xác lập, bảo vệ quyền SHTT và phát triển tài sản trí tuệ vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, thời gian thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT khá dài (1 năm đối với nhãn hiệu, 10 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, 2-4 năm đối với sáng chế/giải pháp hữu ích) khiến DN không theo đuổi hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Còn theo ông Huỳnh Minh Nhật, Trưởng Văn phòng 3, thì hiện nay DN miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng còn thiếu thông tin về pháp luật bảo hộ quyền SHTT, mà nếu có thông tin thì nhiều DN cũng không chủ động đăng ký quyền SHTT ngay. Bởi lẽ các DN hầu hết chỉ lo sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, để rồi khi xảy ra tranh chấp mới loay hoay tìm cách lấy lại thương hiệu.

Theo số liệu thống kê của Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng (Văn phòng 3), trung bình mỗi năm, có khoảng 1.500 người đến nhờ tư vấn và hướng dẫn thủ tục xác lập quyền SHTT với mức tăng 7-8%/năm; số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng đều mỗi năm với khoảng 15%/năm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục SHTT Việt Nam, với thành phố phát triển năng động như Đà Nẵng thì số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHTT như vậy vẫn còn hạn chế. Trong tổng số khoảng 14.000 DN tại Đà Nẵng, chỉ có hơn 4.000 đơn đăng ký quyền SHTT với hơn 2.500 văn bằng được cấp tại Cục SHTT Việt Nam.

Sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín

Hiện nay, chỉ có một số ít DN “khỏe” trên địa bàn thành phố hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài khi hàng hóa bị làm giả đã chi hàng tỷ đồng và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng về quyền SHTT. Theo quy định của Luật SHTT, khi chủ sở hữu có kiến nghị đến cơ quan thực thi về việc bị xâm phạm quyền SHTT thì cơ quan chức năng mới kiểm tra xử lý, thế nhưng thực tế quy trình này bị đảo ngược.

Theo Chi cục QLTT thành phố, trong số 95 vụ vi phạm bị phát hiện từ đầu năm đến nay, không có chủ sở hữu nào chịu “tuyên chiến” với hàng giả, hàng nhái. Khi các cơ quan chức năng phát hiện và báo với chủ sở hữu yêu cầu cung cấp tài liệu, dữ liệu liên quan để chứng minh, làm cơ sở xử lý vi phạm, nhưng mời năm lần bảy lượt họ vẫn không đến. Vì vậy, có những trường hợp dù biết là hàng giả mạo nhãn hiệu nhưng Chi cục QLTT vẫn không xử là hàng giả được, mà xử là hàng lậu rồi tịch thu hoặc đem tiêu hủy.

“Khi hàng hóa bị xâm phạm SHTT với số lượng nhiều, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thì DN mới tìm đến cơ quan chức năng nhờ giải quyết, còn phần lớn DN không chịu hợp tác. Một phần họ sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín, phần nữa sợ làm mất lòng người tiêu dùng. Trong khi đó chỉ có DN mới phân biệt được sản phẩm nào là giả, là thật thông qua các dấu hiệu như tem chống giả, mẫu mã, kiểu dáng…”, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố cho biết.

(Còn nữa)

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ: Đăng ký quyền SHTT để bảo hộ ngay chính thương hiệu của mình

Ngay từ khi thành lập, ý thức được việc phải có một thương hiệu riêng, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ đã đăng ký quyền SHTT cho các sản phẩm của mình và định hướng xây dựng thương hiệu BQ trên nền tảng hàng Việt. Vì vậy, tuy trong quá trình sản xuất và phân phối, sản phẩm giày BQ đã bị làm nhái thương hiệu nhiều lần, song, ngay khi phát hiện, công ty đã liên hệ với các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm mà không phải trả một khoản lệ phí nào.

Hoàng Hân-Thanh Tình

;
.
.
.
.
.