Kinh tế

Cần xây dựng môi trường bình đẳng

07:20, 14/08/2015 (GMT+7)

Thời hạn hội nhập kinh tế sâu rộng đang đến gần, những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp đã và đang gặp phải vẫn thường xuyên được nhắc đến nhưng việc triển khai các giải pháp để gỡ khó vẫn còn nhiều lúng túng. Doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi là chính thay vì trông đợi vào sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền.

Cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có xu hướng co cụm lại thay vì mở rộng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lý giải về điều này, bà Lan cho rằng, một phần do tình hình kinh tế đất nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn; mặt khác, hiện nay chi phí “bôi trơn” mà DN phải gánh còn quá nhiều.

“Tôi đơn cử, trung bình một đồng lợi nhuận mà DN có được thì họ phải mất 1,2 đồng cho những chi phí không chính thức. Những biểu hiện tham nhũng như vậy khiến họ sụt giảm niềm tin, đánh mất tinh thần sáng tạo và phấn đấu. Rất nhiều DN an phận với quy mô hiện có thay vì đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, do những áp lực của việc thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng nguồn vốn lớn để phát triển nên lâu nay nhiều địa phương chỉ chú trọng, ưu ái cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này khiến cho cộng đồng DN trong nước, nhất là những DNNVV, chịu nhiều thiệt thòi.

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối – Hợp tác – Phát triển do Hiệp hội DNNVV Việt Nam phối hợp Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương thẳng thắn nhìn nhận, để tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho DN trong và ngoài nước là điều không đơn giản. Đơn cử, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố đến nay vẫn còn nhiều lúng túng.

Đây cũng là tình hình chung của cả nước, khi các bộ, ngành Trung ương tiến hành đàm phán với DN nước ngoài để ký kết hợp đồng kinh tế vẫn chưa có sự hỗ trợ cụ thể cho địa phương về vấn đề này. Chính vì vậy, đứng trước câu hỏi mà rất nhiều DN đặt ra là để hội nhập, DN nên đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực nào, làm sao để có thể tham gia vào một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ đổ bộ vào nước ta… thì vẫn chưa có một định hướng cụ thể hay câu trả lời thỏa đáng cho họ.

Để DN trong nước không “chết” trên sân nhà, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính quyền các cấp nên yêu cầu DN FDI đặt ra những nhu cầu cụ thể về công nghiệp phụ trợ, chất lượng nguồn nhân lực để chủ động cung ứng cho họ; đồng thời, DNNVV nên tìm kiếm định hướng đầu tư kinh doanh thông qua định hướng phát triển của các bộ, ngành và Chính phủ đã đề ra. Đơn cử, hiện nay có khoảng gần 40 DN lớn của cả nước đang có chiến lược tham gia vào ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với quốc tế.

Các DNNVV có thể xem xét để tìm kiếm cơ hội tham gia vào một vài mắt xích trong chuỗi cung ứng này. Cùng quan điểm tìm kiếm cơ hội đầu tư ngay trên sân nhà, theo ông Lê Cảnh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, thời gian tới, bên cạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, thành phố chú trọng đến các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

.