.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác đất, đá

.

Tình trạng khai thác đất, đá thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản. Để việc khai thác đất, đá ngày một đi vào nền nếp, cần phải chấn chỉnh lại công tác này.

Khai thác đất, đá không hoàn thổ đã để lại những hố sâu rất nguy hiểm.
Khai thác đất, đá không hoàn thổ đã để lại những hố sâu rất nguy hiểm.

Hạn chế do lực lượng còn mỏng (!)

Tài nguyên khoáng sản đất, đá của thành phố Đà Nẵng chủ yếu được phân bố ở huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và rải rác một số mỏ đá ở quận Cẩm Lệ. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng nhằm phục vụ quá trình đô thị hóa thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng, trước đây, do các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản còn thiếu nên công tác quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, dẫn đến việc khai thác “chui”, người dân bán đất cho doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, công tác quản lý của cơ quan chức năng còn khá chồng chéo nên không xác định được trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.

Việc DN khai thác đá bóc từng lớp phủ bì đi san lấp mặt bằng diễn biến phức tạp, gây lãng phí tài nguyên, không hoàn thổ khi mỏ đá đóng cửa, để lại nhiều hố sâu, tường đất chênh vênh dễ gây sạt lở. Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc tham mưu cấp giấy phép tại một số mỏ khai thác đất, đá tại một số địa phương vẫn chưa theo quy trình, gây bức xúc cho dư luận. Việc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các DN hoạt động không nền nếp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, Sở thường xuyên kết hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử phạt các hoạt động khai thác đất đồi, cát sông, đất sét trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, địa bàn quản lý rộng nên chưa giám sát thường xuyên, đôi lúc, đôi nơi vẫn có trường hợp lén lút khai thác khoáng sản.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, Sở TN&MT thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Đà Nẵng. Trong đó có việc cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cũng như tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện, nhất là trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là đối với việc để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn…

Siết chặt công tác quản lý

Để hạn chế tình trạng khai thác đất, đá gây ảnh hưởng đến môi trường, phá hoại cảnh quan và đặc biệt là không chịu hoàn thổ, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng làm việc với các đơn vị, cá nhân khai thác đất, đá nộp số tiền cược tối thiểu là 500 triệu đồng (tùy thuộc vào quy mô, công suất, khối lượng được phép khai thác) để cam kết đảm bảo hoàn thổ theo phương án tại khu vực sau khi kết thúc quá trình khai thác. Tuy nhiên, đây không phải là số tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Ông Nguyễn Điểu cho rằng, đây là một chủ trương phù hợp, bởi nếu các DN sau khi khai thác hết hoặc đang khai thác mà “bỏ của chạy lấy người”, không khắc phục môi trường, hoàn thổ hoặc hoàn thổ không đảm bảo theo quy định như cam kết thì thành phố sẽ tiến hành xử phạt và sử dụng nguồn kinh phí trên để thực hiện hoàn thổ và nộp phạt. Đối với những DN làm ăn đàng hoàng thì thành phố sẽ hoàn trả lại số tiền nói trên.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản và tài nguyên nước (Sở TN&MT) cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, xử lý, phục hồi đối với các mỏ đã khai thác trước đây. Đặc biệt sẽ cho nổ mìn nhằm san bằng các quả đồi, các mỏm đá lồi lõm do các DN khai thác để lại và tiến hành phục hồi môi trường.

UBND thành phố cũng đề nghị các DN khai thác đá, nếu đơn vị đang khai thác âm tạo thành hố, cho dừng ngay và thực hiện hoàn thổ trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu sử dụng thành hồ chứa, tích nước thì phải đảm bảo hiệu quả, xây dựng lan can kiên cố bảo vệ bao quanh hồ đảm bảo tính mạng cho người đi lại, đặt biển báo, đảm bảo đê bờ an toàn và cảnh quan tại khu vực…

Như vậy, với việc siết chặt công tác quản lý, kết hợp với việc quy hoạch lại các mỏ đất, đá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thời gian tới, hy vọng công tác khai thác đất, đá của các doanh nghiệp sẽ đi vào nền nếp, đảm bảo cảnh quan, môi trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Đến năm 2020, đóng cửa toàn bộ mỏ đá trên địa bàn

Ông Trần Văn Dũng cho biết, từ năm 2014 đến tháng 4-2015, thành phố đã có quyết định đóng cửa 12 mỏ đất đồi tại huyện Hòa Vang. Hiện tại, thành phố đang cấp phép và cho hoạt động khai thác 38 mỏ đất, đá (29 mỏ đất, 9 mỏ đất đồi). Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, thành phố sẽ cho đóng cửa thêm 7 mỏ đá ở địa bàn huyện Hòa Vang, các quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ, mặc dù trữ lượng các mỏ đá này vẫn còn khá nhiều. Đến năm 2020, sẽ đóng cửa toàn bộ mỏ đá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để cải tạo môi trường.

Bài và ảnh: Ngọc Phú

;
.
.
.
.
.