.

Chưa quyết mức lương tăng tối thiểu năm 2016

.

Ngày 5-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 nhưng vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng trình Chính phủ do đại diện của giới chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Các bên đại diện Chính phủ, giới chủ sử dụng lao động, người lao động đều đưa ra các phương án dựa trên nguyên tắc đủ bù trượt giá, tăng theo năng suất lao động và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, các phương án không giống nhau về con số.

Năm nay, hai mức đề xuất của đại diện hai bên “vênh” nhau khá lớn. Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia có mức tăng từ 16-17% so với năm 2015, tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng lương chỉ khoảng 7%. Vùng 1 tăng lên 3,32 triệu đồng (tăng 7%); vùng 2 là 2,95 triệu đồng (tăng 7,2%); vùng 3 tăng lên 2,58 triệu đồng (tăng 7,5%); vùng 4 lên 2,3 triệu đồng (tăng 6,9%). Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng phương án điều chỉnh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất là mức tăng thêm hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: “Chúng tôi đồng ý cần phải tăng lương tối thiểu cho người lao động và tính toán các yếu tố để tăng lương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính đến khả năng chi trả thực tế của doanh nghiệp đề để xuất tăng lương ở mức phù hợp”. Cuối buổi họp, phương án của VCCI đã tăng lên trên 10% nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động.

Dự kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục họp sau 2 tuần nữa để thống nhất phương án tăng lương trình Chính phủ.

TTXVN

;
.
.
.
.