.

Doanh nghiệp "vạch lá" chỉ điểm yếu trong phát triển logistics

.

ĐNĐT - Gần 100 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics trong nước và đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội vận tải đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Lào tham gia Hội thảo “Xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng”, do UBND thành phố tổ chức sáng ngày 21-8 đã thẳng thắng “vạch lá” chỉ ra những “con sâu” khiến ngành logistics của thành phố Đà Nẵng nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của mình.

Dịch vụ container tại cảng là khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Dịch vụ container tại cảng là khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ảnh tư liệu

Hạn chế cố hữu: Hạ tầng giao thông!

Mặc dù là đất nước có bờ biển dài trên 3.000 km, nằm trên tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng nhất thế giới, nhưng ngành kinh tế logistics của Việt Nam nói chung cũng như thành phố Đà Nẵng vẫn không thể phát triển đúng như tiềm năng vốn có. Thậm chí, so với một số nước trong khu vực ASEAN dù không có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, thì Việt Nam vẫn tụt hậu khá xa.

Theo ông Yoshitaka Kurihara, cố vấn đầu tư cao cấp của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro Hồ Chí Minh, hạn chế lớn nhất và cũng chậm được khắc phục lớn nhất chính là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Ông dẫn chứng: Hiện nay, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất ít nhất 3 ngày. Đây là thời gian quá lâu, đó là chưa kể gần đây việc trên tuyến quốc lộ xuất hiện quá nhiều trạm cân tải trọng, cũng như trên đường có quá nhiều biển báo hạn chế tốc độ đã kéo dài thêm thời gian trên đường.

Trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường sắt thì lại mất đến 5 ngày, đó là chưa kể thời gian chuyển hàng từ các ga đường sắt đến các cảng biển. Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy, mặc dù có ưu thế giá cả, nhưng cả 3 cảng biển lớn của Việt Nam đều có hạn chế khó khắc phục. Cụ thể, cảng Hải Phòng quá nông nên tàu có tải trọng lớn ra vào khó khăn, cảng Đà Nẵng thì do lượng hàng hóa ít nên giá thành còn cao, cảng Cát Lái - Thành phố Hồ Chí Minh thì thuận lợi hơn nhưng lại gặp phải vấn đề ùn tắt giao thông trên các tuyến đường bộ ra vào hệ thống cảng tại đây.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cho rằng thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số địa phương lân cận, cũng như trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây đã cải thiện nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển dịch vụ cảng biển nói riêng cũng như dịch vụ logistics nói chung.

Điểm hạn chế lớn nhất chính là việc khớp nối hạ tầng giao thông giữa cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường hàng không vẫn còn độ vênh, điều này khiến cho thời gian vận chuyển trên đường kéo dài thêm ra, phí sẽ tăng, công tác bảo quản hàng hóa không tốt.

Đặc biệt, ý kiến của “người bạn cũ" của Cảng Đà Nẵng là ông Somphone Phasavath, Phó Giám đốc điều hành Công ty Lao Freight Forwarder, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế Lào cho thấy rõ hơn những hạn chế của chúng ta. Khi khoảng 25 năm trở về trước, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu của Lào đều qua cảng Tiên Sa, thì thời gian gần đây, vị trí này đã chuyển sang Thái Lan. Bởi theo ông, Chính phủ Thái đã có rất nhiều ưu đãi cho hàng hóa Lào xuất nhập cảnh mà tiêu biểu nhất là xây dựng hẳn cả khu kho để Lào lưu hàng hóa.

Trong khi Lào có khá nhiều lựa chọn cho các tuyến đường bộ để được hưởng về giá cả, thì việc vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam là điều các doanh nghiệp Lào phải cân nhắc vì giá cước còn khá cao so với các nước trong khu vực.

Cần lập Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển ngành logistics địa phương

Theo tiến sĩ Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, sau Chính phủ, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên mà UBND thành phố đứng ra tổ chức và triển khai, xúc tiến trên lĩnh vực logistics. Điều này rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở động thái này thì lĩnh vực này khó có sự phát triển mang tầm chiến lược. Vì vậy, rất cần thành lập một ban chỉ đạo để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này.

Là đơn vị chủ quản của Công ty CP Logistics Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia tỏ ra rất tâm đắc vấn đề này và đề nghị là thành phố nên sớm thành lập Ban chỉ đạo. Ông lý giải, từ vài năm nay, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, đây là điều hết sức cần thiết vì lượng hàng hóa qua cảng liên tục tăng mạnh. Thế nhưng, chỉ riêng việc đánh giá tác động môi trường cho dự án phải dẫm chân tại chỗ rất lâu, vì chưa có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên môn của thành phố. Nếu có Ban chỉ đạo thì mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.

Không hẹn mà gặp khi có khá nhiều ý kiến tại hội thảo cũng mong các địa phương nên sớm lập Ban chỉ đạo chuyên về lĩnh vực logistics. Vì với một ngành kinh tế dịch vụ có tính chất liên ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực và kết nối nhiều địa phương, kể cả quốc tế, thì với tầm của các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn. Tiêu biểu nhất là công tác quy hoạch hệ thống kho bãi dành cho dịch vụ logistics phải đảm bảo nằm trên các trục giao thông có kết nối với hệ thống cảng biển. Hoặc như quy hoạch các ngành sản xuất của từng địa phương, cũng như trong chiến lược cung ứng nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất...

Tất cả các công việc này phải được tính toán kỹ mang tính liên địa phương, liên vùng nhằm tránh tình trạng khá đau đầu của các nhà vận chuyển hiện nay là hàng hóa chỉ có một chiều. Chiều ngược lại là chạy không, điều này khiến cho giá thành luôn cao chót vót, nhưng doanh nghiệp không thể giải quyết được.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, với lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển với cảng hàng không quốc tế, cảng biển nước sâu, hoạt động logistics tại Đà Nẵng đang dần mở ra một hướng đi mới cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý với các cơ quan nhà nước. Những ý kiến của các doanh nghiệp tại hội thảo thêm lần nữa giúp lãnh đạo thành phố cũng như các bộ, ngành Trung ương nhìn thấy hạn chế của mình. Trên tinh thần đó, thành phố cam kết tiếp tục cải thiện hơn nữa nhằm hoàn thiện chính sách quản lý, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ngày một năng động và hiệu quả hơn.

Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.