Thu được thuế mà làm doanh nghiệp không “tâm phục, khẩu phục” thì mình cũng chẳng sướng gì. Thông tin 32% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “không chính thức” cho cán bộ thuế là điều đáng buồn. Không loại trừ khả năng trong ngành thuế của thành phố có cán bộ tiêu cực. Tuy nhiên, đây cũng là là thông tin giúp ngành thuế thành phố phải thực hiện tốt hơn cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phòng ngừa tiêu cực.
Ngành Thuế có nhiều đóng góp tích cực đưa Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. TRONG ẢNH: Ngành thuế Đà Nẵng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác năm 2014. |
Ông Lê Đình Ân, Phó Cục Trưởng Cục Thuế thành phố đã trao đổi với Báo Đà Nẵng như vậy trước thông tin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả khảo sát TTHC thuế trên toàn quốc.
* VCCI vừa công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng đối với TTHC thuế, trong số có con số 32% (trong 2.500 doanh nghiệp trên toàn quốc được khảo sát) doanh nghiệp cho biết họ phải “lót tay” cho cán bộ thuế. Liệu trong đó có doanh nghiệp của Đà Nẵng không, thưa ông?
- Tôi không khẳng định là không có doanh nghiệp của Đà Nẵng phải chi phí “không chính thức” cho cán bộ thuế nhưng mức độ như thế nào thì tôi không thể đưa ra được con số cụ thể. Thu được thuế mà làm cho doanh nghiệp không “tâm phục, khẩu phục” thì mình cũng chẳng sướng gì. Nhưng so sánh với thông tin khảo sát mức độ hài lòng và xếp hạng TTHC do thành phố Đà Nẵng thực hiện, công bố hằng năm đều cho thấy sự hài lòng đối với TTHC thuế rất cao.
Kể từ khi thành phố tiến hành khảo sát và công bố xếp hạng cải cách hành chính hằng năm, ngành Thuế thành phố luôn xếp thứ hạng cao trong nhóm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. TTHC thuế trên địa bàn thành phố cũng góp phần quan trọng đưa Đà Nẵng đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh được công bố hằng năm.
Kể từ năm 2013 đến nay, toàn ngành thuế thành phố chưa có cán bộ, công chức nào vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ phải xử lý đến mức có hình thức kỷ luật. Điều này khẳng định rằng công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức, duy trì kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh những hành vi có biểu hiện vi phạm khi thi hành công vụ được lãnh đạo ngành thuế thành phố rất coi trọng và duy trì thường xuyên.
* Được biết, ngành thuế đã về đích trong việc tổ chức nộp thuế điện tử theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP trước hai tháng. Giao dịch điện tử hóa có hiệu quả phòng ngừa tiêu cực trong ngành thuế không, thưa ông?
- Giao dịch thuế điện tử bao gồm khai thuế, nộp thuế điện tử là một trong những biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian khai, nộp thuế của doanh nghiệp.
Ngành thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ sửa đổi nhiều quy định như bãi bỏ nhiều biểu mẫu, đơn giản nhiều mẫu tờ khai, giảm số lần kê khai, số lần nộp thuế (từ khai theo tháng chuyển sang khai theo quý, từ khai theo quý chuyển sang khai theo năm, số lần nộp thuế cũng giảm xuống tương ứng).
Như vậy, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ/năm như mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP. Thực hiện chủ trương nộp thuế điện tử, ngành thuế Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện phá đến doanh nghiệp trên địa bàn với mục tiêu đến 15-9-2015 phải hoàn thành với 90% doanh nghiệp (11.574 doanh nghiệp) đăng ký nộp thuế điện tử.
Đến ngày 5-8-2015, ngành thuế Đà Nẵng về đích trước hạn do Tổng Cục Thuế giao gần 2 tháng. Đến thời điểm này, Đà Nẵng có 11.918 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử, chiếm 98%, là một trong 3 địa phương có số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử cao nhất nước và đã có 3.122 doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử vào ngân sách Nhà nước hơn 766 tỷ đồng.
Giao dịch điện tử là giao dịch không tiếp xúc giữa người nộp thuế với công chức thuế nên có tác dụng trong việc phòng ngừa, chống tiêu cực trong ngành thuế.
* Thưa ông, khi thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, ngành thuế thành phố cụ thể hóa nội dung “3 chống” vào những lĩnh vực, công việc nào của ngành?
- Thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng, Đảng ủy Cục Thuế xác định những lĩnh vực công tác có tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp để phòng ngừa tiêu cực. Đó là công việc của bộ phận tiếp nhận, bộ phận xử lý hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp (trả lời xác nhận về thuế, hoàn thuế, ); hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.
Đối với những lĩnh vực công việc này, ngành thuế có những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ doanh nghiệp, đồng thời phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức. Hằng năm, lãnh đạo Cục Thuế ban hành không dưới 400 văn bản chấn chỉnh kỷ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn ngành.
Chúng tôi thấy buồn trước con số 32% doanh nghiệp phải chi phí “không chính thức” cho cán bộ thuế do VCCI công bố. Nhưng chúng tôi vẫn xem đây là thông tin đáng lưu ý để nhìn lại, đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC, thái độ phục vụ; hiệu quả công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức. Qua đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng về cải cách TTHC, phòng ngừa tiêu cực trong cán bộ, công chức.
* Cảm ơn ông
Thu được thuế, thu được lòng dân Ngành thuế Đà Nẵng xác định công tác thu thuế cũng là làm công tác dân vận với phương châm “Thu được thuế, thu được lòng dân”. Số vụ việc khiếu nại, đơn trình với cơ quan thuế hằng năm rất ít. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lãnh đạo ngành chỉ ký thư xin lỗi doanh nghiệp 1 trường hợp chậm hồ sơ và đã giải quyết xong 5/6 đơn khiếu nại. Kết quả khảo sát tại website http://cchc.danang.gov.vn về mức độ hài lòng đối với ngành thuế Đà Nẵng trong năm 2014: Có 12 lượt/767 lượt (chiếm 1,56%) người nộp thuế đánh giá chấp nhận được; 755 lượt (chiếm 98,44%) đánh giá hài lòng và rất hài lòng. |
SƠN TRUNG thực hiện