.

Hàng thủ công mỹ nghệ: Chật vật tìm thị trường xuất khẩu

.

Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Đà Nẵng  bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của ngành TCMN hiện nay là vấn đề thiết kế mẫu mã sản phẩm trong khi chi phí đầu vào ngày một tăng, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng hạn chế… khiến việc tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu hết sức chật vật.

Để tìm được đầu ra cho hàng thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp cần đầu tư thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Để tìm được đầu ra cho hàng thủ công mỹ nghệ, các doanh nghiệp cần đầu tư thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thiếu tính sáng tạo

Các doanh nghiệp (DN) làm hàng TCMN tại Đà Nẵng cho rằng, việc tìm kiếm đầu ra cho hàng xuất khẩu chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, nhất là việc cạnh tranh với hàng TCMN của Trung Quốc. Nhiều DN phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu qua các đối tác trung gian khiến lợi nhuận của mặt hàng này không đủ để DN tái đầu tư cho đơn hàng mới.

Ông Lê Văn Phiếu, chủ cơ sở sản xuất hàng TCMN Quang Huy chia sẻ: “Dù đã nhiều lần nghĩ đến thị trường xuất khẩu với những đơn hàng lớn nhưng rút cuộc chúng tôi cũng chỉ làm nhỏ lẻ, chủ yếu là qua trung gian và bán cho khách hàng quen.

Mới đây có đối tác của Thái Lan sang tìm hiểu cơ sở sản xuất của Quang Huy, nhưng nếu làm đơn hàng xuất khẩu lớn, chúng tôi sợ không kham nổi”. Theo ông Phiếu, khó khăn của DN làm hàng TCMN xuất khẩu hiện nay là ngoài nguồn vốn đầu tư cho sản xuất thì việc tìm kiếm mặt bằng để trưng bày sản phẩm nhằm bán hàng chuyên nghiệp hơn vẫn là bài toán khó.

Khảo sát một vài cơ sở sản xuất hàng TCMN trên địa bàn thành phố, sản phẩm của địa phương chủ yếu được sản xuất theo tính truyền thống, ít có đột phá, quanh đi quẩn lại những mẫu thiết kế đã có cách đây cả chục năm. HTX Mây tre An Khê mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 400 sản phẩm xuất khẩu, nhưng chủ yếu là bán cho khách hàng quen.

Ngoài những thị trường quen thuộc như Mỹ và EU, Mây tre An Khê còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Cuba, Columbia, Tuynidi…, nhưng đơn hàng vẫn hạn chế. “Lâu nay anh em trong HTX tự nghĩ ra mẫu mã sản phẩm, chứ chúng tôi không có đội ngũ thiết kế. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm những người thiết kế mẫu mã hàng TCMN để mua sáng tạo của họ, nhưng việc này cũng rất khó khăn”, anh Trần Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre An Khê nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố thị trường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành TCMN Đà Nẵng mà là do sản phẩm của địa phương thiếu tính sáng tạo, không có mẫu mã mới để làm hài lòng khách hàng. Việc sản xuất đại trà, theo kinh nghiệm truyền thống khiến sản phẩm TCMN không có sự đa dạng và bắt mắt, dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp.

TS Võ Quang Trí, Trung tâm Nghiên cứu phát triển quản trị và tư vấn DN (CMCC), đơn vị thành viên của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn về đầu ra, TCMN địa phương bộc lộ những điểm yếu về tính sáng tạo. Đây là nguyên nhân chính gây nên việc khó cạnh tranh với hàng nước ngoài”. Theo ông Trí, thị trường xuất khẩu hàng TCMN khá khắt khe, ngoài các chỉ tiêu về chất lượng, các đối tác cũng chú trọng đến những yếu tố về chế độ cho người lao động, tiêu chuẩn về nhà xưởng…, vì vậy việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề bức thiết.

Sản phẩm phải có “hồn”

Tại Hội chợ quốc tế Thương mại- Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng 2015 (EWEC 2015), nhiều DN của Thái Lan, Lào, Campuchia rất mong muốn tìm kiếm sản phẩm TCMN của Đà Nẵng để ký kết hợp đồng xuất khẩu.

Ông Suvit Suebsarakham, Phó Chủ tịch Hội Thương mại tỉnh Khon Kaen (Thái Lan) cho biết, về mặt hàng TCMN, DN Thái Lan thường quan tâm đến 3 yếu tố chính, đó là sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp gì và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào.

“Trong những yêu cầu đặt ra cho hàng TCMN xuất khẩu thì yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất. DN Thái Lan luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn” và mang nét độc đáo riêng”, ông Suvit Suebsarakham nói. Đại diện tỉnh Attapư của Lào cũng chia sẻ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ cho DN trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu. Nhưng để chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối này, DN nên chủ động đưa ra đơn đặt hàng cụ thể, không chỉ đơn thuần là vấn đề giá cả mà mẫu mã sản phẩm quyết định sự thành công của đơn hàng”.

Một yếu tố nữa để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm TCMN của địa phương là tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại cũng như có chiến lược quảng bá sản phẩm thật bài bản.

Theo các đối tác nước ngoài, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính, DN địa phương cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, các DN Đà Nẵng lại rất mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, rào cản kỹ thuật… để hàng TCMN địa phương có chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.