Đánh giá hiệu quả của nút giao thông ngã ba Huế, ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Ô-tô vận tải hành khách đưa ra con số tính toán rất ấn tượng: Trung bình mỗi ngày có từ 50.000-80.000 lượt các loại phương tiện qua nút giao thông; trước kia, khi có xe lửa, các phương tiện phải mất khoảng 10-15 phút chờ; bây giờ cầu vượt thông thoáng, chỉ mất từ 2-3 phút để đi qua.
Như vậy tính riêng về thời gian đã thấy lợi ích rất rõ cho xã hội, chưa kể việc giải quyết vấn đề tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường do hàng ngàn phương tiện xả khói trong thời gian chờ.
Những hộ kinh doanh sắt, thép, tôn trên đường Điện Biên Phủ hoạt động trở lại khi cầu vượt hoàn thành. |
Cũng theo ông Ba, từ khi nút giao thông được đưa vào sử dụng, việc vận tải hành khách cũng thuận lợi hơn nhiều, nhất là các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, taxi. Trước đây, nhiều người dân có nhu cầu lên bến xe hoặc quận Liên Chiểu thường ít chọn 2 loại phương tiện này vì đi lại khó khăn, nhưng gần đây khách sử dụng xe buýt và cả xe taxi tăng thấy rõ.
Cùng quan điểm này, anh Lê Tùng, tài xế taxi Mai Linh cho rằng, nút giao thông ngã ba Huế được đưa vào sử dụng, số lượng khách đi taxi đến quận Liên Chiểu đã tăng mạnh. Anh kể, khi nút giao thông chưa được xây dựng, có lần chở khách từ trung tâm thành phố lên khu du lịch Bà Nà, mới đến gần nút giao thông, nhìn thấy cảnh xe kẹt cứng trên đường, khách đã trả tiền và xuống xe.
Không riêng ngành vận tải được hưởng lợi từ công trình nút giao thông ngã ba Huế mà công trình này đã trở thành cú hích trên cả lĩnh vực văn hóa và kinh tế cho khu vực cửa ngõ phía Bắc của thành phố. Anh Trần Văn Truyền, nhân viên cửa hàng dầu nhớt Motul trên đường Tôn Đức Thắng cho biết, khi chọn đặt cửa hàng gần khu vực Bến xe Trung tâm, cửa hàng hy vọng sẽ đón được lượng khách hàng lớn từ đây cũng như lượng khách vãng lai trên trục đường này, nhưng thực tế không được như mong đợi vì lượng xe qua đây không nhiều. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, doanh thu của cửa hàng đã cải thiện rõ, với mức tăng gần 20%, trong đó thu hút khá nhiều khách hàng là các loại xe tải có tải trọng lớn và xe khách đường dài.
Một thực tế là trong quá trình thi công nút giao thông, một số hộ dân ở tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng phải tạm nghỉ kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, có người phải chuyển sang ngành nghề khác. Nhưng tại thời điểm này, khi nút giao thông này đưa vào sử dụng được vài tháng, gần như các cửa hàng đã kinh doanh trở lại.
Ở khu vực đường Điện Biên Phủ, các hộ kinh doanh mặt hàng sắt, thép, tôn ngày càng buôn bán nhộn nhịp. Phía đường Tôn Đức Thắng, dịch vụ sửa xe, đắp lốp ô-tô cũng có khách trở lại, một số cơ sở cho biết lượng khách đã tăng hơn so với trước đây từ 10-15%.
Một chủ cửa hàng bán phụ tùng xe máy, xe đạp trên đường Điện Biên Phủ cho biết: Trước đây, cửa hàng của gia đình tôi có thể nói là đắt khách nhất khu vực này, vì vậy khi công trình khởi công, gia đình tôi cũng nhận được số tiền hỗ trợ từ thành phố cao nhất với mức 12 triệu đồng/tháng. Khi công trình hoàn thành, phần hỗ trợ này bị cắt, chúng tôi cũng lo, nhưng bây giờ khách đã gần như trở lại với cửa hàng, số khách vãng lai cũng tăng khá mạnh.
Tuy nhiên sự thay đổi nhanh nhất, sôi động nhất chính là các dịch vụ du lịch, giải trí. Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê nhanh chóng “mọc” lên xung quanh khu vực chân cầu vượt. Trong khi đó, các công ty du lịch cũng đã nhanh chóng đưa công trình cầu vượt ngã ba Huế vào danh sách tham quan thành phố Đà Nẵng. Theo chia sẻ của một số đơn vị lữ hành, có khoảng 60% du khách yêu cầu được tham quan cầu vượt lúc thành phố lên đèn. Với họ, được trực tiếp ngắm cầu vượt 3 tầng hiện đại nhất Việt Nam cũng là điều thú vị không thể bỏ qua khi đến với Đà Nẵng.
Có thể nói, việc “nút thắt” ngã ba Huế được xóa bỏ và thay vào đó bằng một cầu vượt 3 tầng hiện đại đã tạo nên cú hích tích cực cho sự phát triển của thành phố.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn