Trước đây, lan Hồ điệp tại Đà Nẵng đã có một vài người trồng, song, do trồng ngoài tự nhiên hoặc nhà lưới tạm nên năng suất thấp, chất lượng hoa chưa đạt yêu cầu.
Cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học thụ phấn cho hoa lan Hồ điệp. |
Giờ đây, với việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào ươm tạo và sản xuất hoa lan Hồ điệp, Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã tạo ra được những giống lan sạch bệnh, chất lượng tốt cung ứng cho thị trường.
Từ năm 2013 đến nay, song song với các mô hình, dự án khác, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quan tâm ứng dụng các tiến bộ KH&CN, xây dựng dự án mô hình nhân giống và sản xuất lan Hồ điệp quy mô công nghiệp tại Đà Nẵng. Trung tâm CNSH xây dựng hệ thống nhà lưới công nghệ cao với quy mô 960m2, có thể điều khiển cho hoa nở đồng đều, đúng thời điểm mong muốn, chất lượng tương đương hoa nhập; đồng thời, đào tạo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nắm vững các quy trình kỹ thuật nhân giống và sản xuất hoa lan Hồ điệp.
Ông Đặng Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lan Hồ điệp là một trong những loài cây mang tính thời vụ, được trồng quanh năm, có giá trị kinh tế cao và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Đà Nẵng. Vì vậy, việc chuyển giao tiến bộ KH&CN cho Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã góp phần đưa giống hoa mới có chất lượng tốt, tỷ lệ chết thấp, sạch sâu bệnh nhân rộng cho bà con nông dân, giúp họ ổn định sản xuất, cuộc sống.
Qua khảo sát, nhu cầu trồng và chơi hoa lan tại thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận rất lớn. Tuy nhiên, việc trồng hoa lan Hồ điệp tại các hộ dân chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Hơn nữa, các khâu xử lý khi thu hoạch cho hoa cũng chưa được chủ động, do đó tổn thất sau thu hoạch khá cao.
Để đáp ứng nhu cầu chơi hoa lan ngày càng cao cũng như phục vụ ngành du lịch Đà Nẵng phát triển, Trung tâm CNSH Đà Nẵng được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu rau quả đã ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất lan Hồ điệp quy mô công nghiệp tại Đà Nẵng.
Theo đó, các khâu từ nhân cây giống thông qua phương pháp nuôi cấy mô tế bào đến việc điều chỉnh các chế độ tối ưu chăm sóc cây phát triển và ra hoa trong nhà lưới đều thực hiện theo quy trình khép kín. Qua đó, cho ra các cây giống có chất lượng không kém hoa nhập ngoại, tiến tới sản xuất cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Phi Hoàng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm CNSH Đà Nẵng cho biết, những cây lan Hồ điệp trồng thí nghiệm tại Trung tâm đã hơn 1 năm tuổi, vài tháng nữa, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ xử lý ra hoa. Hoa lan Hồ điệp tại Trung tâm CNSH được chăm sóc theo một quy trình chuẩn, ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển phải đạt những yêu cầu đặt ra. Khi đã xử lý ra hoa đúng thời vụ, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ tiếp tục cho lai giống để tạo ra những loại lan Hồ điệp có màu sắc mới lạ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Việc ứng dụng CNSH trong ươm tạo và nhân giống cây trồng đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tại Trung tâm CNSH, việc ứng dụng CNSH đã giúp các cán bộ của Trung tâm chủ động nghiên cứu tạo ra những giống cây sạch bệnh, chất lượng tốt cung cấp cho thị trường. Nhiều mô hình sản xuất, mô hình ứng dụng mới được các cán bộ Trung tâm hướng dẫn bà con nông dân thực hiện. Có thể nói, với sự thành công bước đầu của dự án sản xuất công nghiệp giống các loại hoa lan Hồ điệp, thời gian tới, nông dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã có thể áp dụng mô hình này để phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: ĐAN TÂM