Mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 nếu VCCI và Tổng LĐLĐ không tìm được tiếng nói chung thì sẽ do bên thứ 3 quyết định.
Phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra cuối tháng 8-2015 |
Việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận. Đến nay, sau 2 phiên họp với các tranh luận “nảy lửa” nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được mức tăng.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: “Rất có thể, dù không muốn nhưng Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải là người đưa ra phương án để tư vấn Thủ tướng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016”.
Trong ngày hôm nay (3-9), theo đúng lịch làm việc các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục nhóm họp để đưa ra phương án cuối cùng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.
Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.
Trước đó, vào phiên họp đầu tiên, VCCI đưa ra mức tăng là 7%, sau đó tiệm cận dần đến 10%. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì kiên định mức tăng là gần 17% (16,8%). Hai bên “giằng co” giữa hai con số này và chưa đi đến thống nhất. Một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động, tiền lương cho rằng, để hài hòa có thể là mức 12%. Tuy nhiên, sau đó, một số ý kiến trong nhóm này lại hạ mức tăng xuống 10% và cho rằng đó là mức chấp nhận được, có sự chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.
Trong phiên họp thứ 3 này, nếu hai bên không ngã ngũ thì cũng vẫn có con số cuối cùng về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, chỉ có điều đây là con số áp đặt từ phía Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra.
Theo Vũ Hạnh (VOV)