Chỉ số CPI vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố chỉ số giá tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015 vào sáng 24-8 tại Hà Nội.
Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op mart Phú Thọ - TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2015 giảm 0,21% so với tháng trước; bằng 100% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân chín tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm so với tháng trước; CPI tháng 9 năm 2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng. Nhóm giáo dục tăng cao nhất 1,24%; tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,43%; giáo dục tăng 1,24%.
Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%. Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,68%; giao thông giảm 3,17%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, CPI tháng 9 năm 2015 giảm chủ yếu do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19-8 và ngày 3-9; trong đó, giá xăng giảm 1.970đ/lít, giá dầu diezel giảm 550đ/lít, giá dầu hỏa giảm 830đ/lít. Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17% góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%.
Từ ngày 1-9-2015 giá gas trong nước cũng điều chỉnh giảm 12.000đ/bình 12 kg. Mức giá phổ biến ở mức 270.000đ/ bình 12kg (giá gas trong nước điều chỉnh giảm do giá gas nhập khẩu trong tháng 8 giảm 62,5 USD/tấn chốt giá ở mức 330 USD/tấn). Đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas liên tục giảm nhẹ với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg.
Thời tiết chuyển sang mùa thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%; đồng thời, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm 0,14%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có các yếu tố làm tăng CPI như có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí và nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tăng cho học sinh vào năm học mới tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,24% đóng góp vào CPI chung 0,07%; giá dịch vụ y tế một số tỉnh được điều chỉnh tăng (theo lộ trình của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2-2012) làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,5% so với tháng trước.
Cũng trong tháng 9, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Với thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng thêm tỷ giá nên ngày 19/8 giá vàng SJC trong nước xác lập mức giá trên 35 triệu đồng mỗi lượng. Bình quân giá vàng tháng 9 tăng 3,54%, giá vàng trong nước ngày 15/9 dao động quanh mức 3.398.000 - 3.406.000 đồng/chỉ vàng SJC.
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,71% do ngày 19/8 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.376 VNĐ/USD lên 21.890 VNĐ/USD (tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, đón đầu quyết định tăng lãi suất của FED và ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2015 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2015 so cùng kỳ tăng 2,15%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, hiện nay, lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản, điều này không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm, biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.
Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2%-3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Về dự báo về CPI tháng 10, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 10 giảm nhẹ do một số yếu tố như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào nên giá các mặt hàng này có xu hướng giảm đây là nguyên nhân chính góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2015 giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 18-9, giá xăng tăng 620đ/lít, giá dầu diezel tăng 570đ/lít, giá dầu hỏa tăng 510/lít nhưng do còn ảnh hưởng của đợt giảm giá xăng dầu của ngày 3-9 và theo chu kỳ tính chỉ số CPI nên giá xăng dầu trong tháng 10 gần như không thay đổi giữ cho CPI chung ổn định. Giá các mặt hàng khác trong tháng 10 khá ổn định.
Theo Thúy Hiền (TTXVN)