.

Hiệu quả từ tín dụng nông nghiệp, nông thôn

.

Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đang ngày càng phát huy hiệu quả tại các xã của huyện Hòa Vang. Nhờ nguồn vốn tín dụng này, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và mở rộng sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống.

Trang trại nuôi heo phòng lạnh khép kín ở xã Hòa Khương.
Trang trại nuôi heo phòng lạnh khép kín ở xã Hòa Khương.

Làm giàu từ vốn vay

Một buổi trưa đầu tháng 9, chúng tôi đến trang trại nuôi heo của chị Nguyễn Thanh Hương (xã Hòa Khương), tận mắt chứng kiến mô hình nuôi heo trong phòng lạnh khép kín của gia đình. Quả thật, khu nuôi heo khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi từ ngoài nhìn vào không khác gì là một tòa nhà lớn được xây dựng kiên cố. Bên trong, mấy chục con heo giống được nuôi trên các sàn bê-tông sạch sẽ. Khi chúng tôi đến, 3 con heo giống đang trong quá trình sinh sản.

Chị Hương cho biết, ban đầu gia đình nuôi heo với quy mô nhỏ, tận dụng các đồ ăn thừa trong các quán ăn, hộ dân để làm thức ăn. Heo nuôi mấy năm nhưng không cho hiệu quả vì dịch bệnh và hao phí thức ăn quá lớn. Sau một thời gian tìm tòi, từ nguồn vốn 200 triệu đồng, vợ chồng chị Hương quyết định mượn thêm sổ đỏ của người thân để vay vốn chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống sang mô hình nuôi heo phòng lạnh khép kín.

Với 2 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Hòa Vang và mượn thêm người thân, vợ chồng chị Hương đầu tư xây dựng trang trại, nhập heo giống từ Mỹ về nuôi. “Sau gần 2 năm, gia đình tôi đã trả lãi, trả gốc cho ngân hàng và trả tiền vay mượn người thân chừng 1 tỷ đồng. Gia đình định 5 năm hoàn vốn, nhưng mới 2 năm đã xong”, chị Hương phấn khởi nói.

Chúng tôi đến thăm hộ nuôi gà của ông Mai Xuân Vinh (xã Hòa Phú). Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế phát huy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Ông Vinh cho biết, trước đây, gia đình ông nuôi gà công nghiệp với quy mô nhỏ không hiệu quả. Sau khi được chính quyền địa phương và ngân hàng hỗ trợ, gia đình ông mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại và chuyển sang nuôi gà thả vườn.

Theo ông Vinh, hiện nay trang trại có khoảng 5.000 con gà lớn, nhỏ; gà xuất ra thị trường liên tục, mỗi đợt xuất khoảng 1.000 con, mỗi năm xuất 4-5 lứa. “Chu kỳ nuôi gà cho thu hồi vốn nhanh, so với gà công nghiệp, gà thả vườn tỷ lệ hao hụt ít. Nguồn giống và thức ăn tự sản xuất và chọn lựa nên chất lượng đầu ra của trại gà bảo đảm. Đầu năm nay, gia đình đã vay thêm 500 triệu đồng từ Agribank- Chi nhánh Hòa Vang để mở rộng sản xuất”, ông Vinh cho biết thêm.

Khơi thông dòng chảy tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần không nhỏ trong việc khơi thông dòng chảy tín dụng về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển rõ nét, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Hiện, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn đạt 281 tỷ đồng; trong đó, cho vay hộ nông dân 218 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2014.

Cơ cấu tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tương đối toàn diện, bao gồm các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. Ông Lê Thông, Giám đốc Agribank - Chi nhánh Hòa Vang cho biết, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều hộ dân tiếp cận với nguồn vốn. Agribank đã thành lập các tổ cho vay lưu động, xuống tận địa bàn các xã để giải ngân, thu nợ, việc làm này tiết kiệm thêm thời gian và công sức đi lại của người dân.

Có thể nói, từ nguồn vốn tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều hộ nông dân có nhu cầu vay vốn đã được vay và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người nông dân trên địa bàn nông thôn.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.