Sáng 17-9, tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1200 MW (2x600 MW) đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 31-12-2014 và tổ máy số 2 từ ngày 12-5-2015, đến nay đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 3 tỉ kWh.
Là dự án nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường, hàng năm khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 7,2 tỉ kWh, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực nói chung và hệ thống điện quốc gia nói riêng.
Doanh thu hàng năm của nhà máy dự kiến khoảng từ 7.000 – 8.000 tỉ đồng, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của Tập đoàn và đóng góp đáng kể cho khoản thu ngân sách của Trung ương và địa phương.
Đây là một trong những nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất tại Việt Nam và là một trong số ít các Dự án nhiệt điện than đã đạt mức nội địa hóa có tỉ lệ đáng khích lệ (khoảng 30%) đối với thiết kế, chế tạo, vật tư thiết bị trong nước, trong đó có gói thầu có tỉ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành đảm bảo chất lượng và an toàn là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án điện than tiếp theo cũng như Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, trong đó có lĩnh vực điện. Ngoài ra, là cơ sở quan trọng để đánh dấu sự thành công vượt bậc của các nhà thầu trong nước trong việc phát huy nội lực, đảm đương tổng thầu EPC cho các nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất lớn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1; cho biết đây là nhà máy điện chạy bằng than (chủ yếu là loại than rất khó sử dụng của Việt Nam), có tổ máy phát công suất lớn nhất hiện nay và sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đây là dự án lớn được chủ đầu tư và tổng thầu EPC của Việt Nam thực hiện thành công (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là chủ đầu tư và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam là tổng thầu EPC); tổng mức đầu tư của dự án rẻ hơn nhiều so với chi phí nếu tổng thầu là nước ngoài; đảm bảo tốt các vấn đề về môi trường khi đưa vào vận hành khai thác…
Điều đặc biệt hơn là sự thành công của dự án đã đánh dấu thêm một bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động Việt Nam, đồng thời khẳng định tất cả các dự án nhiệt điện, thủy điện hiện nay Việt Nam đều có thể làm được.
Nhấn mạnh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện còn 4 dự án điện lớn đang phải thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần hết sức quan tâm lấy tổng thầu là những đơn vị trong nước tham gia; các dự án thực hiện tỷ lệ nội địa của dự án sau phải cao hơn dự án trước; chất lượng kỹ thuật phải đảm bảo tốt hơn.
Theo Chinhphu.vn