Có mặt tại Đà Nẵng khoảng 10 năm trở lại đây, nghề kiểm thử phần mềm (tester) được xem là nghề “thời thượng”, đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), nguồn nhân lực cho nghề kiểm thử phần mềm trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Các học viên đang tìm hiểu về khóa học kiểm thử phần mềm của Logigear. |
Cơ hội việc làm
Theo các chuyên gia phần mềm, sự phát triển chóng mặt của CNTT trong những năm trở lại đây đã đưa nghề kiểm thử phần mềm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các chuyên gia phần mềm còn cho rằng, việc tiếp xúc với thiết bị và công nghệ mới thường xuyên sẽ giúp tester tăng thêm kiến thức, vì vậy đây là nghề mới khá thú vị, giúp nhiều người có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
“Khi ngành phần mềm trở thành ngành công nghiệp thì hầu hết các dự án của đối tác luôn đòi hỏi công việc kiểm thử phần mềm rất cao. Nếu như trước đây, lập trình viên và kiểm thử phần mềm là một thì bây giờ mỗi công việc lại tách ra riêng biệt để chuyên môn hóa hơn”, ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Chi nhánh FPT Softwave Đà Nẵng cho biết.
Hiện tại, Chi nhánh FPT Softwave Đà Nẵng có khoảng 450-500 nhân viên phần mềm, trong đó có đến gần 1/2 nhân viên làm công việc kiểm thử phần mềm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều dự án mà doanh nghiệp này hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. “Có những dự án, FPT Softwave Đà Nẵng phải luân chuyển lập trình viên sang làm công việc kiểm thử phần mềm mới đáp ứng được khối lượng công việc mà đối tác yêu cầu”, ông Phương cho biết thêm.
Dù cơ hội việc làm cao, nhưng nhiều sinh viên theo học ngành CNTT tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của nghề này, vẫn coi tester là một nghề “cấp thấp” nên chủ yếu theo học về nghề lập trình viên. Theo các chuyên gia phần mềm, quan niệm đó hoàn toàn sai lầm, bởi nghề tester vô cùng quan trọng vì đây là khâu sống còn của toàn bộ một dự án phần mềm.
“Kiểm thử phần mềm là công việc không thể thiếu vì đây là khâu cuối cùng, quyết định khá nhiều vào sự thành công của dự án. Sản phẩm có hoàn thiện và đạt chất lượng cao hay không một phần phụ thuộc vào sự cẩn thận, kiên trì của người làm tester, từ đó mới tạo thêm niềm tin và uy tín của một doanh nghiệp với đối tác”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phân tích.
Mỗi năm, Trường Đại học Bách khoa có khoảng 250-300 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT, trong đó có khoảng 2/3 số lượng làm trong ngành phần mềm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp nên cơ hội việc làm cho ngành tester là rất lớn.
Nhu cầu nhân lực lớn
Mặc dù đảm nhiệm công việc quan trọng trong toàn bộ dự án phần mềm nhưng hiện nay số lượng các tester tại Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, thị trường Đà Nẵng chỉ có khoảng trên dưới 1.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT trong khi nhu cầu của nghề này rất lớn.
Theo ông Phương, nếu như các dự án phần mềm trên thế giới, trung bình cứ 3 lập trình viên có 1 kiểm thử phần mềm thì tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 5:1.
“Nhiều dự án phần mềm chỉ yêu cầu mỗi công việc của tester nên nhu cầu nhân lực của nghề này rất lớn. Hiện các trường trên địa bàn thành phố đã đào tạo một số kiến thức về ngành kiểm thử phần mềm cho sinh viên nhưng khi về làm tại FPT, chúng tôi cũng phải đào tạo thêm theo định hướng của doanh nghiệp hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Công việc này không khó, chỉ cần các bạn có kiến thức nền, sự cẩn thận, nắm bắt cơ sở dữ liệu và ngoại ngữ là có thể trở thành một tester giỏi”, ông Phương nói.
Trong tương lai CNTT sẽ trở thành ngành có giá trị xuất khẩu lớn ở Đà Nẵng, thu hút nhiều dự án lớn của nước ngoài, do đó nhu cầu về nhân lực tester cũng tăng theo. Nhu cầu tăng nên nhiều trung tâm CNTT, công ty phần mềm ở Đà Nẵng đã bắt đầu chú trọng đào tạo chuyên sâu về nghề kiểm thử phần mềm.
Vừa qua, Chi nhánh Công ty Kiểm thử phần mềm Logigear tại Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Đào tạo về CNTT Passerelles Numériques Vietnam (PNV) lần đầu tiên đưa môn học Kiểm thử phần mềm vào chương trình đào tạo chính thức dành cho sinh viên năm cuối ngành CNTT trên địa bàn thành phố. Đây được xem là cơ hội lớn cho các bạn sinh viên tìm kiếm môi trường học tập chuyên nghiệp cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc điều hành Logigear khẳng định sẽ nhân rộng mô hình này đến các trường đại học khác tại Đà Nẵng để giúp các bạn sinh viên có thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN