.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp gặp khó

.

Sau hơn 1 năm hoạt động, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp nhiều vướng mắc khiến công tác cho vay vốn chưa thực sự đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra  khi thành lập.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn đang trông chờ vào nguồn cho vay từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. (Ảnh có tính chất minh họa)
Nhiều doanh nghiệp khó khăn đang trông chờ vào nguồn cho vay từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. (Ảnh có tính chất minh họa)

Thống kê từ Ban điều hành Quỹ cho biết, đến tháng 8-2015, có 16 doanh nghiệp được vay vốn từ nguồn quỹ này với tổng trị giá bảo lãnh 18,1 tỷ đồng; mức bảo lãnh thấp nhất 100 triệu đồng và mức cao nhất 2 tỷ đồng.

Đến nay, Quỹ cũng đã huy động được 6 doanh nghiệp tham gia góp vốn điều lệ với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của Quỹ lên 51,7 tỷ đồng. Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV được thành lập với mục tiêu góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DNNVV về vốn vay để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, với kết quả như trên, rõ ràng hiệu quả hoạt động của Quỹ còn thấp, số lượng doanh nghiệp được vay vốn quá ít (so với gần 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, trong đó có đến 98% là DNNVV).

Ông Đoàn Ngọc Vui, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV thành phố cho biết, khó khăn mà Quỹ đang gặp phải cũng là khó khăn chung đối với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng trên cả nước do quy định của pháp luật, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ: “Bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo”.

Trong khi thực tế bên được bảo lãnh đề nghị được bảo lãnh khoản vay tại ngân hàng thương mại không có tài sản đảm bảo. Để tháo gỡ vướng mắc này, Quỹ đã tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh nhưng không được thống nhất.

Bên cạnh đó, chứng thư bảo lãnh của Quỹ không được một số ngân hàng thương mại chấp nhận; những doanh nghiệp truyền thống hoặc có uy tín với ngân hàng thì ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay không có tài sản tín chấp nên không mấy mặn mà với Quỹ. Với những vướng mắc như trên, hoạt động của Quỹ thời gian gần đây hầu như giẫm chân tại chỗ, một số hồ sơ doanh nghiệp gửi vay vốn phải trả lại.

Theo ông Vui, mặc dù mức cho vay hiện chưa thực sự lớn và số lượng doanh nghiệp được vay vốn tại nguồn Quỹ còn quá ít so với kỳ vọng ban đầu nhưng phần nào đó đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là với những DNNVV, góp phần giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn.

Tại buổi làm việc mới đây, đại diện Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố đề nghị Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV rà soát lại hoạt động cho vay vốn vì thực tế vẫn có doanh nghiệp vay được vốn từ nguồn Quỹ này. Hơn 50 tỷ đồng vốn điều lệ mà Quỹ được ủy thác là con số không nhỏ, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu Quỹ không hoạt động được sẽ là thiệt thòi đối với cộng đồng DNNVV thành phố.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.