Sau hơn một năm ban hành, triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã chính thức có “tàu 67” chuẩn bị hạ thủy, vươn khơi ở ngư trường Biển Đông.
Ngày 23-9, “tàu 67” đầu tiên của Đà Nẵng hạ thủy sau hơn 3 tháng khởi công đóng mới. |
Biển Đông vẫy gọi
Vậy là còn 1 ngày (23-9), “tàu 67” đầu tiên của thành phố Đà Nẵng sẽ hạ thủy để vươn khơi. Niềm mơ ước đóng tàu lớn theo nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã trở thành hiện thực với ngư dân thành phố Đà Nẵng. Sáng 21-9, con “tàu 67” mang số hiệu ĐNa 90719 TS (tàu vỏ gỗ), chủ nhân là ông Lê Văn Nhắn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã sẵn sàng trên đà ray. Nhóm thợ đang tiến hành vệ sinh cho con tàu trước khi làm lễ hạ thủy.
Anh Lê Văn Quanh (SN 1982, con ruột ông Nhắn) vinh dự được làm thuyền trưởng “tàu 67” đầu tiên của thành phố, vui mừng cho biết: “Con tàu to, vững chãi, chuẩn bị hạ thủy ra khơi, tôi rất vui sướng. Bao năm “cầm cương” con tàu 410CV, giờ đây được “cầm cương” con tàu lớn gấp đôi, tôi thực sự hồi hộp”.
Hơn 3 tháng từ khi khởi công, 8 lao động cùng kỹ sư của Liên danh Công ty CP Kỹ thuật biển STECH Đà Nẵng miệt mài để con tàu được hạ thủy sớm. Tàu có chiều dài hơn 23m, rộng 6,3m, cao 3,3m, tổng công suất 829CV, chịu đựng sóng gió tốt. Hiện tại, ngư lưới cụ đã được gia đình ông Nhắn chuẩn bị đầy đủ, chờ hạ thủy lắp đặt giàn lưới, đèn và đăng kiểm là sẵn sàng vươn khơi.
“Tàu hoạt động làm nghề lưới rê hỗn hợp ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương, cá thu, cá nhám lớn. Tháng 10-2015, tàu ĐNa 90719 sẽ ra khơi chuyến đầu tiên. Hy vọng chuyến biển đầu tiên sẽ đem lại hiệu quả cao, làm động lực, niềm tin cho ngư dân chúng tôi trên con tàu mới - con tàu đầu tiên của Đà Nẵng đóng mới theo Nghị định 67”, thuyền trưởng Lê Văn Quanh nói.
Theo gia đình ông Nhắn, tàu có tổng trị giá trên 10 tỷ đồng; ngoài vốn cho vay ưu đãi theo Nghị định 67 được UBND thành phố phê duyệt vay 7 tỷ đồng, gia đình ông Nhắn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng.
Sẽ có đội “tàu 67” trong tương lai
Đến cuối tháng 9-2015, ngoài tàu ông Lê Văn Nhắn chuẩn bị hạ thủy, Đà Nẵng có 3 tàu mới đang trong quá trình đóng là tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) và tàu vỏ thép của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười đóng tại Liên danh Công ty CP Kỹ thuật biển STECH Đà Nẵng đã hoàn thành được 50% công việc. Tàu có chiều dài 30,8m, rộng 7,5m, cao 4m, công suất máy 822CV, tổng kinh phí đầu tư khoảng 18,3 tỷ đồng. Dù mới được 50% khối lượng công việc, chúng tôi đã thấy con tàu uy nghi, vững chãi và lớn nhất trong bãi đóng tàu. “Dù đến cuối năm tàu mới hạ thủy, nhưng tôi cảm thấy vui và hy vọng trong tương lai mình sẽ có những quả ngọt”, anh Mười chia sẻ.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài 4 tàu đang được đóng mới theo Nghị định 67, đến nay, ngân hàng đã hoàn thành thẩm định hồ sơ và đồng ý cho ngư dân Trần Văn Tuấn (quận Hải Châu) vay và đang chờ thành phố phê duyệt. Được biết, ông Tuấn làm hồ sơ vay đóng mới 2 tàu vỏ thép. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang thẩm định hồ sơ cho hai doanh nghiệp Vinh Hoa và Lộc Biển, mỗi doanh nghiệp vay đóng mới 2 tàu vỏ thép theo Nghị định 67.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã giao các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách một cách đồng bộ, hợp lý và ưu tiên vốn, lãi suất, kỳ hạn cho vay đóng mới tàu phù hợp với điều kiện thực tế, phát triển hạ tầng nghề cá, mở rộng đối tượng vay vốn, nguồn vốn đối ứng... nhằm khuyến khích ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, thực hiện tốt Nghị định 67/NĐ-CP. Các ngân hàng thương mại phải tạo điều kiện để ngư dân được vay vốn đóng tàu theo nghị định, đơn giản hóa các thủ tục… Ngân hàng thương mại nào không thực hiện đúng sẽ bị kỷ luật.
Hiện tại, các quận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tiến hành tuyên truyền cho ngư dân tiếp tục thực hiện Nghị định 67. Hy vọng trong tương lai, thành phố Đà Nẵng sẽ có một đội “tàu 67” hùng hậu vươn khơi làm giàu từ biển, kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ