Kinh tế

Thúc đẩy đổi mới công nghệ

07:38, 10/09/2015 (GMT+7)

Việc tăng cường năng lực đổi mới công nghệ (ĐMCN) cho các doanh nghiệp (DN) là một giải pháp mang tính quyết định. Vì vậy, các cấp, các ngành cần xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách hoàn chỉnh, hỗ trợ DN một cách thông thoáng để DN đổi mới hiệu quả.

Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp từng bước tiếp cận và làm chủ thị trường.
Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp từng bước tiếp cận và làm chủ thị trường.

Đổi mới thành công

Là công ty được các nhà thầu đánh giá có sản phẩm thép đạt chất lượng, phù hợp với các công trình tiêu chuẩn quốc tế, những năm qua, Công ty CP Sản xuất thép Việt Mỹ đã không ngừng đầu tư công nghệ mới vào hoạt động sản xuất.

Ông Lê Công Xinh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất thép Việt Mỹ nhìn nhận, đặc thù ngành thép là sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng, trong khi hiện nay giá điện tăng cao đã gây không ít khó khăn cho các DN cần sử dụng nguồn điện năng lớn. Chính vì vậy, tiết kiệm điện là một trong những giải pháp mà DN phải tập trung thực hiện.

Ông Xinh cho biết: “Mới đây, công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ châu Âu, thân thiện môi trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ việc đầu tư công nghệ mới, công ty tiết kiệm được 10-15% chi phí tiền điện, tương đương tiết kiệm bình quân 4-5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, công ty còn ứng dụng thành công nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho các nguồn năng lượng khác trong hệ thống chiếu sáng; từ đó, giúp công ty tiết kiệm hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng chiếu sáng cho toàn bộ hoạt động của văn phòng”.

Nhà máy Giấy Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng áp dụng thành công các công nghệ mới, hiện đại theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Theo ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đã giúp nhà máy giảm 12% năng lượng và 4% nguyên liệu tiêu thụ, giảm chi phí xử lý các chất thải.

Cần có cơ chế đặc thù

Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giai đoạn 2012-2015”, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Đà Nẵng nhận định, thành phố luôn quan tâm và xem việc tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN cũng chính là tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vì vậy, tăng cường năng lực công nghệ của các DN là một giải pháp mang tính quyết định nhất.

Thực tế, thời gian qua, để giúp DN tăng cường năng lực, Sở KH&CN đã tham mưu thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN ĐMCN; đồng thời, bằng các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn chuyển giao công nghệ, giúp các DN tiếp cận với các nguồn lực, chương trình, dự án của các tổ chức trong và ngoài nước về ĐMCN, chuyển giao công nghệ… Qua đó, các DN tại Đà Nẵng đã từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ.

Tuy nhiên, thúc đẩy ĐMCN là một quá trình phức tạp, không đơn giản chỉ là hỗ trợ về mặt nghiên cứu khoa học. Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh vai trò của ĐMCN; đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP. Đà Nẵng tiếp tục quan tâm không chỉ bố trí kinh phí mà cần chỉ đạo các sở, ngành trong việc thúc đẩy tốc độ ĐMCN của các DN. Bộ trưởng cũng đề nghị Đà Nẵng sớm hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn định giá về KH&CN, qua đó, giúp các DN tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường.

ĐMCN là một nhu cầu cấp thiết và tất yếu để DN cải thiện năng lực cạnh tranh. Vì vậy, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần phối hợp giải quyết đồng thời nhiều yếu tố liên quan như tài chính, năng lực, thị trường… để DN tiếp cận thành công với các công nghệ mới.

Ngoài ra, cần xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ DN một cách thông thoáng, hiệu quả. Có thể xây dựng một cơ chế vượt trội hỗ trợ về ĐMCN, về năng suất chất lượng; hoặc xây dựng một cơ chế chính sách theo hướng kích cầu công nghệ, hỗ trợ DN trong quá trình ĐMCN... Đồng thời, các DN cũng cần vượt qua những thất bại có thể xảy ra trong quá trình ứng dụng ban đầu.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.