Năm 2015, với 3 hiệp định được ký kết hoặc có hiệu lực được coi là năm có tính bước ngoặt đối với ngoại giao Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế.
Dệt-may của Việt Nam sẽ hưởng lợi khi Liên minh Kinh tế Á-Âu cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất veston của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đầu tiên phải kể đến là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (được ký vào ngày 29-5-2015 tại Kazakhstan); hai là, hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (viết tắt TPP); ba là, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2015. Như vậy, nếu tính cả Tổ chức Thương mại thế giới (viết tắt WTO), đến cuối năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia vào 4 hiệp định kinh tế lớn. Trong đó WTO là hiệp định có số thành viên lớn nhất với 161 quốc gia thành viên, ngoài ra có 22 nước đang đàm phán (tính đến cuối tháng 10-2015).
WTO - Hiệp định “khó chơi”
Mặc dù là lớn nhất, nhưng WTO lại là hiệp định chung chung nhất, với nhược điểm lớn nhất là tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực để có được một quyết định đồng thuận do cách đàm phán trên cơ sở mỗi thành viên của WTO có một phiếu bầu, có giá trị ngang nhau. Nhưng thực tế các thỏa thuận đạt được đều có lợi cho Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), các nước nhỏ và các nước đang phát triển thường thua thiệt. Trong thực tế, đã có những thỏa thuận không đạt được do nhiều nước phát triển không chấp thuận những đề xuất của các nước EU và Hoa Kỳ đưa ra.
Vì thế, các cuộc đàm phán thường diễn ra rất căng thẳng, khó phân xử. Vì vậy, khi tham gia hiệp định này đòi hỏi các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng, đặc biệt là tìm hiểu kỷ luật, khi ký kết hợp đồng thì những điều khoản trong các hợp đồng phải hết sức chặt chẽ và luôn đề phòng rủi ro.
ASEAN - Thị trường mở
Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, mặc dù không phải là một hiệp định, nhưng có tác dụng điều chỉnh giống như các hiệp định nói trên và chỉ diễn ra trong phạm vi các nước ASEAN. Việc thành lập cộng đồng này nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong thông báo (tuyên bố) về Tầm nhìn ASEAN 2020 do các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai tại Kuala Lumpur từ ngày 14 đến ngày 16-12-1999.
Do vậy, ASEAN là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Một khu vực kinh tế cạnh tranh được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong ASEAN. Mục tiêu cuối cùng là đưa các nước trong ASEAN hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán với đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu trong WTO.
Mặc dù tầm ảnh hưởng của thị trường này không lớn, nhưng lại thiết thực, sát sườn đối với Việt Nam. Đồng thời, việc tham gia vào thị trường này sẽ là bài kiểm tra quan trọng, trước khi gia nhập các thị trường có ảnh hưởng lớn hơn nên các doanh nghiệp muốn vươn tới những thị trường rộng lớn hơn, khắt khe hơn thì phải vững vàng ngay tại ASEAN.
VCUFTA - Bước chạy đà hoàn hảo vào thị trường châu Âu
Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (viết tắt là VCUFTA), chính thức ký kết vào ngày 29-5-2015 là một hiệp định thương mại giữa Việt Nam và 5 nước thuộc châu Á và châu Âu gồm: Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia và Cư-rơ-gư-xtan.
Theo nội dung của hiệp định này thì Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục quan tâm của Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với một số mặt hàng nông, lâm, hải sản... Thuế nhập khẩu xăng dầu không xóa bỏ sớm hơn năm 2027 và sắt thép có lộ trình xóa bỏ trong vòng không quá 10 năm.
Ngược lại, Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng sẽ cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế. Trong đó, 59% tổng số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các nhóm mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu gồm: các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam, và một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may (trong hạn ngạch) và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (đặc biệt là giày thể thao), máy móc, linh kiện điện tử và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm cao su, gỗ và đồ nội thất…
Mặc dù các nước trong hiệp định này là những nước SNG (thuộc Liên Xô cũ), các tiêu chí còn khá dễ để thực hiện được đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để vào được thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nỗ lực rất nhiều. Đây vốn là các thị trường truyền thống của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm tham gia thị trường này trước đây, nên việc điều chỉnh để đủ điều kiện tham gia sẽ nhanh hơn. Quan trọng hơn, đây là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận dần với thị trường rộng lớn hơn, khắt khe hơn là thị trường EU, cũng là đích đến của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
TPP - Hiệp định chuẩn mực của thương mại thế giới
Ngày 5-10-2015 sẽ đi vào lịch sử thương mại thế giới bằng việc 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Mặc dù TPP trước mắt chỉ là thị trường của gần 800 triệu dân, nhưng TPP đã chiếm tới trên 40% giao dịch thương mại toàn cầu.
Đặc biệt trong 12 nước tham gia TPP đã có tới 3 nước trong nhóm G7, nhiều nước trong nhóm G20, trong đó hầu hết là những nước APEC và đặc biệt có 2 cường quốc là Mỹ và Nhật Bản… cho thấy tầm ảnh hưởng của TPP đối với thương mại toàn cầu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Như vậy, trong tương lai TPP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, có khả năng chi phối kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, khi TPP chính thức có hiệu lực thì hàng loạt những quy định, những chuẩn mực, những giá trị mới về thương mại… sẽ được “định nghĩa” lại. Theo phân tích của các chuyên gia trong và ngoài nước thì TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia hiệp định.
Đây là một hiệp định đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao, nếu vào được thị trường này sẽ có điều kiện để tham gia hầu hết các hiệp định thương mại khác trên toàn cầu. Đây là bài thi “tốt nghiệp” để hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới.
Dù muốn hay không thì các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ “luật chơi” do các hiệp định nói trên quy định. Vì khi Việt Nam gia nhập các hiệp định nói trên thì ngay ở trong nước, các hiệp định kể trên cũng chi phối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nên muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải có các chiến lược lâu dài để đầu tư về mọi mặt (công nghệ, quản lý và nguồn nhân lực...) nhằm thích nghi và phát triển.
Đức Thịnh