Vài năm trước, không ít nghề được xem là “hot” với thu nhập ngất ngưởng, khiến nông dân đổ xô cất cày cuốc, tranh nhau học, đua nhau làm, thì nay thua lỗ, lại quay về với cây lúa, củ khoai. Nghề mới không nuôi sống được người nông dân là thực tế hiện nay tại nhiều địa phương ở Đà Nẵng.
Mô hình nuôi cá diêu hồng ở huyện Hòa Vang một thời cho thu nhập cao, nay đang khó khăn do thị trường bão hòa. |
Làm cầm chừng
Một buổi trưa nắng gắt giữa tháng 8, theo chân một cán bộ xã Hòa Phong, chúng tôi đến thăm nhà anh Nguyễn Tấn Yến (55 tuổi, ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), gặp lúc anh vừa từ đồng về. Quệt ngang giọt mồ hôi, anh Yến dò hỏi: “Xem mô hình cá diêu hồng hả? Bữa nay tui đâu có nuôi nữa. Lỗ quá. Nhiều người khác cũng bỏ hết rồi. Đang tính lấp ao đây”. Chỉ vào dãy ao sát nhà, anh Yến phân bua: Ao giờ đang thả mấy con cá trắm cỏ, cá rô phi để tận dụng một số phụ phẩm nông nghiệp như: rau, lá sắn, lá bắp...
Tiếc nghề! Đó là nỗi niềm của anh Yến và nhiều nông dân khác tại xã Hòa Phong. Nhớ lại thời “vàng son”, chỉ mới 3-4 năm về trước, anh Yến và nhiều nông dân đua nhau đi học nuôi cá diêu hồng. “Mấy vụ đầu trúng lắm, 1 năm 2 lứa cá khoảng 4-5 tạ, trừ chi phí thì bỏ túi hàng chục triệu đồng là chuyện thường! Khi đó, giá cá là 40.000 đồng/kg, trong khi một bao bột cho cá ăn chỉ có 250.000 đồng”, anh Yến nói. Nhưng nay nuôi cá diêu hồng lỗ nặng, giá 1 bao bột lên đến 385.000 đồng, trong khi giá cá diêu hồng bán cho thương lái chỉ còn 38.000 đồng. Đó là còn chưa kể trăm thứ khác như: tiền công thuê thợ, tiền đầu tư máy móc, tiền vận chuyển… cũng đều tăng cao so với trước.
Thở dài, anh Yến bảo, biết làm sao được, thấy có lợi, nhiều người cùng đổ xô đi học rồi nuôi cá. Mọi thứ đều tăng mà giá cá thì giảm dần bởi người bán thì nhiều, người mua thì ít. Rồi nhu cầu thị trường bão hòa, vì ăn mãi cũng chán, mà không xuất đi đâu được. Bây giờ, công việc chính của anh Yến là làm thợ nề kiếm 200.000 đồng/ngày để sinh sống.
Thôn Nam Thành có diện tích đất đai tương đối rộng rãi, bằng phẳng, dân cư thưa thớt, không bị ngập lụt, gần hồ chứa nước Đồng Nghệ nên được đánh giá rất phù hợp cho việc đào ao nuôi cá. Nhiều năm qua, Nam Thành phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, giúp cải thiện đời sống kinh tế của người nông dân. Nhiều hộ dân mua xe, xây nhà, nuôi con ăn học. Tuy nhiên, đó là thực tế của những năm trước, còn bây giờ do khó, thua lỗ, nhiều nhà bỏ nghề, lấp ao trồng cây khác.
Dần tan rã
Hòa Phong cũng được xem là nơi có nghề trồng nấm khá phát triển. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, 3 lớp hướng dẫn trồng nấm ăn đã được tổ chức cho nông dân các thôn Bồ Bản, Cẩm Toại Trung, Cẩm Toại Tây, An Tân, Dương Lâm 1, Cẩm Toại Đông và Thạch Bồ; mỗi lớp từ 30-40 học viên, đối tượng là người nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách và nông dân. Thế nhưng, nghề trồng nấm hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Là một trong những người đầu tiên tham gia lớp trồng nấm, chị Nguyễn Thị Gần (42 tuổi, ở thôn Cẩm Toại Trung) thở dài, chỉ vào mấy bịch nấm: “Trồng nấm không đơn giản, nắng quá cũng dễ hỏng, mà mưa cũng không lên được”. Năm 2013, sau khi học lớp trồng nấm do thôn tổ chức, chị Gần được bầu làm tổ trưởng tổ trồng nấm của thôn với 10 hộ phụ nữ nghèo.
Tuy nhiên, sau một thời gian thì tổ tự động tan rã vì thu không đủ bù chi. Riêng chị Gần tận dụng một gian phòng nhỏ sau nhà để trồng nấm, kiếm thêm thu nhập. “Làm chung thì có nhiều cái được nhưng cũng có cái bất tiện. Làm riêng thì được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Giá cả bán theo thị trường nên lời lãi khá hơn”, chị Gần cho biết.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Sinh than thở: “Giá cả bấp bênh lắm. Lúc cao thì được 30.000 đồng/kg, lúc thấp chỉ còn 15.000 đồng/kg. Đã vậy, lúc thời tiết thuận lợi, thu hoạch được thì giá lại thấp, đến khi hết nấm, giá lại lên cao vọt, thấy mà tiếc”. Chị cho biết thêm, từ Tết Nguyên đán đến nay, cả tổ trồng được 3.000 bịch nấm thì nắng nóng làm hư hết 2.000 bịch… “Nhiều chị em nản lắm vì trồng nấm dễ bị hư mà giá cả lại bấp bênh. Vì vậy, hầu như chị em phải làm nghề khác để sinh sống, chứ không thể phụ thuộc vào nghề này. Bây giờ, chỉ mong được hỗ trợ thêm về kỹ thuật và đầu ra để chị em có thể yên tâm sản xuất”, chị Sinh nói.
Không chỉ mô hình nuôi cá ở thôn Nam Thành, trồng nấm ở thôn Cẩm Toại Trung, mà còn nhiều mô hình ở các địa phương khác cũng đang gặp khó ở khâu tiêu thụ. Chẳng hạn, mô hình hợp tác xã trồng hoa ở Hòa Liên khi mới hình thành rất hiệu quả, bán vụ đầu thu đến 3,9 tỷ đồng. Nhưng vài năm sau, nông dân ở các thôn, xã khác thấy có lãi lớn nên cũng đua nhau đầu tư, phát triển.
Thế là hoa nhiều mà người mua cũng chỉ chừng đó, nên thương lái ép giá, phải bán đổ bán tháo, chứ hoa tươi có cất giữ được đâu. Tương tự, mô hình Hợp tác xã Mây tre đan xuất khẩu ở Hòa Quý cũng ra đời chưa đầy năm đã đóng cửa vì ế ẩm, thua lỗ. Hơn 50 lao động phải tự đi kiếm việc làm tự do như: phụ hồ, buôn bán vặt, xe ôm… Mức thu nhập thấp, nên nhiều nông dân khó sống được với nghề đã học là một thực tế hiện nay tại một số địa phương ở Đà Nẵng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho rằng trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền địa phương.
“Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? Lẽ ra, địa phương phải quy hoạch phát triển kinh tế, tính trước đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, rồi yêu cầu bao nhiêu thì tôi đào tạo bấy nhiêu. Ví dụ, trồng rau an toàn được 10ha, sản lượng 100 tấn thì bán ở đâu; nuôi cá mỗi vụ 50 tấn thì ai mua... Các nước phát triển đều tính toán đầu ra trước, rồi mới ký hợp đồng tổ chức sản xuất, mình thì làm ngược lại. Cứ thấy nghề nào có lãi, thu cao là lập tức đua nhau đầu tư ào ào, mạnh ai nấy làm; đến khi hàng hóa dư thừa, thua lỗ, trăm thứ thua thiệt cũng chỉ người nông dân gánh chịu”, ông An nói.
Bài và ảnh: P.TRÀ - T.THANH