.
Bất cập đào tạo nghề lao động nông thôn

Bài 3: Khó tuyển học nghề

.

Nhiều cơ sở đào tạo cùng tuyển sinh, việc xây dựng kế hoạch dạy nghề không gắn được định hướng phát triển lâu dài của địa phương. Bởi vậy, nhiều nghề không bền vì đầu ra không có. Việc tuyển sinh chồng chéo, đào tạo không hiệu quả là thực tế hiện nay trong tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Đà Nẵng.

Phụ nữ quận Thanh Khê học nghề kết cườm.
Phụ nữ quận Thanh Khê học nghề kết cườm.

Tuyển sinh chồng chéo

Năm 2015, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng ký hợp đồng với 6 cơ sở đào tạo, tổ chức dạy nghề cho 508 lao động ở khu vực nông thôn, lao động đặc thù như diện giải tỏa, mất đất sản xuất, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo… với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, gồm 13 ngành nghề như: nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá nước ngọt, trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm ăn; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc dịch vụ dân dụng như mây tre đan, lễ tân khách sạn, buồng phòng, hàn, điện cơ, cơ khí…

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng đã phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho Sở NN&PTNT dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho 120 ngư dân; Hội Nông dân dạy nghề trồng nấm, trồng hoa cho 170 người; Hội LHPN dạy nghề dịch vụ chăm sóc gia đình, cắt tỉa củ quả, nấu ăn, cắm hoa… cho 130 người với tổng kinh phí 750 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương tùy vào nguồn kinh phí cân đối hiện có cũng tự tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân địa phương mình. Chẳng hạn, quận Cẩm Lệ mở lớp trồng rau an toàn, trồng hoa và cây cảnh cho khoảng hơn 100 người. Hội Phụ nữ quận có riêng chương trình “Những địa chỉ hồng” giúp chị em học nghề và tạo việc làm… Các doanh nghiệp, cơ sở tạo mẫu tóc… cũng về các địa phương tuyển sinh học nghề.

Đó là chưa kể một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con làm ăn với tính chất tương đương như tổ chức lớp đào tạo nghề ngắn hạn. “Các trung tâm dạy nghề đến giới thiệu về các lớp nghề và vận động đi học. Mấy anh ở địa phương cũng gọi tham gia học lớp cây cảnh nhưng tôi chưa đi. Nhiều chương trình quá, lại dạy miễn phí nên cũng phân vân”, anh Nguyễn Toàn, nông dân ở quận Cẩm Lệ thổ lộ.

Bởi vậy, danh sách người có nhu cầu học nghề từ các địa phương gửi lên cho các trung tâm đào tạo nghề thường dài hơn nhiều so với con số thực muốn học. Chẳng hạn, tại Trung tâm dạy nghề Liên Chiểu, danh sách địa phương gửi lên có khoảng 300-400 học viên, nhưng chỉ khoảng gần chục người tham gia các lớp học. Đại diện Trung tâm này cho biết, con số địa phương gửi lên chưa chính xác nên Trung tâm phải tự về địa phương thông báo tuyển thêm.

Trung tâm dạy nghề Hòa Vang cũng cho biết, danh sách người có nhu cầu học nghề mà các địa phương gửi lên nhiều, nhưng khi tuyển thì rất ít người tham gia. “Số lao động có trong danh sách các địa phương, nhưng không tuyển sinh được, một phần do họ không phải là dân địa phương, đôi khi chỉ đăng ký cho vui chứ không thật sự có nhu cầu học nghề, hoặc đã có việc làm, hoặc đã đi học nghề khác”, một cán bộ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói.

Không mặn mà học nghề

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, không mặn mà học nghề là một thực tế hiện nay. Theo thống kê, cuối năm vừa qua, cả nước có 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT; 424 trường đại học, học viện và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh đã hết 900.000 em, chỉ còn lại 100.000 em (khoảng 10%) đi học nghề và làm những việc khác.

Trong khi đó, năm vừa qua, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng điều tra toàn thành phố có hơn 4.400 sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ nhưng vẫn chưa có việc làm. Thế nhưng, ở khu vực nông thôn, dù khó khăn, tâm lý chung của mọi gia đình là dù nghèo khó nhưng vẫn cố vay mượn để cho con học đại học.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết: “Mấy năm nay, việc tuyển sinh rất khó. Chúng tôi phải xuống tận các xã Hòa Châu, Hòa Nhơn. Vừa rồi, phải nhờ đoàn viên thanh niên xã Hòa Nhơn thông báo hướng dẫn các em đi học nghề”. Trong khi đó, các nghề như lễ tân, buồng, bàn, nấu ăn… đang dạy tại Trung tâm được xem là dễ tìm việc nhưng hầu hết thanh niên không muốn theo đuổi, vì tâm lý xã hội cho rằng đó là những nghề “thấp kém”, không “sang trọng”.

Còn theo ông Ngô Anh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hòa Vang, giáo viên ăn lương theo học viên nên vừa dạy, vừa dỗ. Học trò nghỉ là cô giáo lo, trường lo vì vật liệu mua rồi, giáo viên hợp đồng rồi. Bởi vậy, trước khi học, người lao động được “mời” ký cam kết không được bỏ giữa chừng. Năm 2015, Trung tâm này đã tuyển được 170 người học 3 nghề: trồng nấm, nấu ăn, nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Phong, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Liên Chiểu kể: “Có lần, chúng tôi đến tận tổ dân phố để vận động họ học nghề miễn phí, họ nói tỉnh bơ “khi nào rảnh mới học chứ giờ bận đi làm thợ hồ rồi”. Thật sự rất khó khăn trong việc tuyển sinh”.

Ông Nguyễn Lương Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương than thở: “Chúng tôi phải gọi điện thoại, năn nỉ họ đi học rồi năn nỉ họ đi thi lấy chứng chỉ”. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, người học vẫn nặng tâm lý thích học đại học với những công việc nhẹ nhàng chứ chưa chịu khó học nghề. Bởi vậy, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết trong công tác giáo dục, đào tạo nghề không chỉ riêng ở Đà Nẵng.

Bài và ảnh: P.TRÀ - T.THANH

;
.
.
.
.
.