Những năm qua, làng nghề điêu khắc đá Non Nước là địa chỉ nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước về sản phẩm đá mỹ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của làng nghề, môi trường kinh doanh tại đây cũng xuất hiện nhiều “điều tiếng”, nếu không chấn chỉnh và giải quyết kịp thời sẽ mất dần uy tín.
Các cơ sở sản xuất và kinh doanh đá mỹ nghệ Non Nước ngày càng nhiều, nhưng hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. (Ảnh mang tính minh họa) |
Giá cả “trên trời dưới đất”
Theo Hội Làng nghề đá Non Nước, hiện nay có trên 600 hộ sản xuất, hằng năm cho ra đời hơn 100.000 sản phẩm các loại theo 10 nhóm sản phẩm, doanh thu khá lớn. Nhưng cũng từ đó dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với nhau, thậm chí chèn ép giá và tình trạng chèo kéo khách hàng vẫn còn xảy ra, mặc dù các ngành công thương và du lịch có nhiều biện pháp ngăn chặn.
Anh Đ., tài xế một hãng taxi tiết lộ: Chạy taxi sướng nhất là chở khách đi tham quan làng đá Non Nước, bởi mỗi lần khách ghé tham quan một điểm buôn bán hàng đá mỹ nghệ có quy mô lớn là tái xế sẽ có ngay 200.000 đồng từ cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng đá. Nếu khách mua sản phẩm, ngoài số tiền 200.000 đồng, tài xế còn có thêm từ 10-20% trong tổng giá trị hàng hóa cửa hàng bán ra.
Chị Nguyễn Thị Hương Linh - du khách đến từ Hà Nội cho biết, cách đây hơn 1 tháng, chị cùng đoàn đến tham quan làng đá Non Nước. “Sau khi xem sản phẩm, tôi có đặt mua một cặp độc bình bằng đá cỡ trung được một cơ sở hét giá bán 80 triệu đồng, qua nhiều lần thương lượng, giá đã giảm xuống còn 75 triệu đồng. Tưởng chừng mua được giá phải chăng, nhưng sau này tôi mới biết mình bị “hớ”, bởi theo một tài xế taxi, sản phẩm này chỉ có giá trên 60 triệu đồng nếu để anh ta mua giùm khách”, chị Linh cho hay.
Qua tìm hiểu, được biết, cùng một chủng loại sản phẩm, nhưng mỗi người khách mua với giá khác nhau (nếu không đi cùng đoàn). Một số khách than phiền đã từng mua cây lăn tay mát-xa mặt bằng đá ở đây với giá 120.000 đồng, nhưng có người chỉ mua 80.000 đồng hoặc chỉ khoảng 40.000 đồng.
Coi chừng mất uy tín!
Anh H.T.T (thợ làm nghề ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) than phiền rằng, giữa những cơ sở sản xuất ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước có sự bằng mặt mà không bằng lòng. Một số điểm kinh doanh còn chê bai nhau nên mới có chuyện khách nghi kỵ về chất lượng, bởi sản phẩm ở làng nghề không chỉ có nguồn gốc từ địa phương mà còn có hàng tạp từ các nơi đưa về không ai có thể kiểm soát xuất xứ như thế nào. Trong khi đó, giá bán không có quy định chung.
Để đảm bảo uy tín và thương hiệu của làng nghề, năm 2007, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức cuộc thi xây dựng biểu trưng, trang thông tin điện tử cho làng nghề… Tuy nhiên, chừng đó cũng chưa đủ để khẳng định danh tiếng làng nghề, bởi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn xảy ra, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chưa thực hiện đồng bộ…
Bà Hồ Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn nhìn nhận: Thị trường đầu ra của làng nghề còn nhiều bất cập, nhất là chèo kéo du khách mua sản phẩm vẫn diễn ra phức tạp, tình trạng gian lận về mẫu mã, thương hiệu, giá cả thì “trên trời dưới đất”… Tình hình này sẽ dẫn đến làng nghề mất khách.
Theo bà Thúy, trong thời gian tới, ngoài việc vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh vào làng nghề, Phòng Kinh tế quận sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, xử lý tình trạng chèo kéo khách hàng; đồng thời thường xuyên tiến hành tập huấn nâng cao nghiệp vụ bán hàng và văn minh thương mại cho các chủ cơ sở sản xuất đá.
Bài và ảnh: Duyên Anh