.

"Cắt tiền hội họp, đi nước ngoài để tăng lương công chức"

.

Cắt tiền chi hội họp, đi nước ngoài để tăng lương là đề nghị được đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ sáng 22-10 của Quốc hội.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại tổ, sáng 22-10.
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại tổ, sáng 22-10.

Hai ngày trước, báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới.

Và như vậy 4 năm liền, lương cơ sở trong khu vực này không tăng.

Tỏ rõ sự sốt ruột, đại biểu Nguyễn Văn Minh (Tp.HCM) than thở là sau kỳ họp này không biết trả lời cử tri thế nào, vì năm trước không tăng, cử tri chất vấn thì đã nói 2016 sẽ tăng. Giờ lại nói ngân sách chưa cân đối được, vẫn là lý do của 2015.

“Nếu không được đúng như lộ trình thì cũng phải cố gắng nâng mức nào đó để đảm bảo cuộc sống người làm công ăn lương”, ông Minh đề nghị.

Vị đại biểu này cũng đặt bài toán lương không tăng trong nhiều loại hàng hóa được điều hành theo cơ chế thị trường, nhiều khoản phí khác sẽ được chuyển sang cơ chế giá, và rõ ràng tất cả vấn đề đó đều liên quan đến lương.

“ Tôi chưa đồng tình là do khó khăn mà chưa tăng lương, cần thiết giảm chi khác để đảm bảo chi lương theo lộ trình”, ông Minh thể hiện rõ quan điểm.

Cũng đề cập chuyện tăng lương trong bối cảnh bao nhiêu nguồn thu chỉ để chi thường xuyên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch đề nghị đại biểu Minh nói rõ cắt chi chỗ nào để tăng chứ không thể đi vay để tăng lương được.

Ông Lịch đề nghị cụ thể là cắt tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài… “Cắt hết đi, đừng biến việc đi nước ngoài du lịch thành nghiên cứu, học tập để Nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương”, đại biểu Lịch đề nghị.

Cũng như một số vị khác, đại biểu Lịch cũng lo vài năm tới khi các bộ luật về tổ chức bộ máy có hiệu lực thì bộ máy còn phình nữa, trong khi tinh giản biên chế là vô cùng khó, thì lấy gì mà tăng lương.

Với quyền hạn của đại biểu Quốc hội, ông Lịch cho rằng không nên kiến nghị mà chính Quốc hội chứ không ai khác phải bàn là cắt các khoản chi có địa chỉ rõ ràng.

Chừng nào nếu không dự toán thì không có tiền tiếp khách như ở nhiều nước khác thì lúc đó mới kỷ cương được, suốt ngày đủ mọi lễ kỷ niệm mà dùng tiền ngân sách hết thì tiền đâu mà tăng lương, ông Lịch phát biểu.

Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Huy Hùng cũng cho rằng nên cải cách chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính. "Ta vẫn đang bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương thấp như vậy", ông Hùng nhìn nhận.

Cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng, ông Hùng nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi bình luận, chi phí tiền lương ở Việt Nam trong giá thành sản phẩm vẫn cao nhất khu vực (18,7% so với Thái Lan 16%) trong khi tiền lương rõ ràng là thấp. Điều đó chứng tỏ năng suất lao động rât thấp.

Theo ông Lợi thì thực ra là phải tăng lương rồi nhưng vẫn phải dùng từ “nhịn”. Tiền lương tối thiểu nâng lên 16% như đề xuất của công đoàn thì doanh nghiệp cũng chết, tương tự như lương với công chức nâng lên thì hệ luỵ kéo theo lớn.

Ông Lợi cho rằng không thể cân đối để nâng lương tối thiểu được nhưng cần xem xét điều chỉnh ngay nâng lương nghỉ hưu, và đáng ra chỉ tập trung ở đối tượng hệ số lương dưới 2,34 nhưng Chính phủ lập tức nâng đồng loạt 8% cho tất cả dẫn đến sự cào bằng chứ không phải công bằng.

“Như vậy trường hợp tôi đã phát biểu là có ông lương đã 65 triệu nâng thêm 8% mỗi tháng được thêm 5 triệu nữa, có cần thiết vậy không?”, ông Lợi đặt câu hỏi.

Theo VnEconomy

;
.
.
.
.
.