.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng đến phát triển bền vững

.

5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, thành phố đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước khẳng định vai trò là thành phố động lực của miền Trung-Tây Nguyên. Đó cũng là quá trình thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư sản xuất vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Thu hút đầu tư sản xuất vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh hội nhập và phát triển

Chặng đường phát triển 5 năm qua của thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Trung ương dành cho Đà Nẵng đi vào cuộc sống. Trong đó, Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) là văn kiện quan trọng trong việc định hướng và tạo động lực mới cho thành phố. Từ Kết luận số 75-KL/TW, Thành ủy Đà Nẵng xây dựng và triển khai Chương trình hành động số 34-Ctr/TU với 10 nhóm giải pháp.

Nhờ đó, kinh tế thành phố trong 5 năm qua (2010-2015) đạt được nhiều thành tựu như phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, góp phần làm hoàn thiện cơ cấu các ngành kinh tế địa phương theo hướng tích cực; ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ngành dịch vụ logistics có chuyển biến về định hình dịch vụ tạo thế mạnh và tiềm năng để phát triển trong thời gian đến.

Đà Nẵng đã đặt nền móng cho phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin. Trong đó vai trò của Khu công nghệ cao đưa Đà Nẵng trở thành vị trí trung tâm ở khu vực trong đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Những dự án, quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã, đang và sẽ triển khai như mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng Tiên Sa; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; di dời ga đường sắt… tạo nên những công trình động lực để Đà Nẵng khai thác tiềm năng và lợi thế của trung tâm khu vực miền Trung.

Đà Nẵng cũng đã quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, thành phố đã và đang thúc đẩy sự phát triển về văn hóa, văn minh đô thị theo hướng xây dựng thành phố an toàn, thân thiện tạo ra xung lực cho giai đoạn hội nhập và phát triển mới.

Tạo đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững

Tại cuộc hội thảo gần đây về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Đà Nẵng tập trung cơ cấu lại những lĩnh vực kinh tế chưa phát triển hoặc chệch hướng so với Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX). TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh một số lĩnh vực thành công của Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư phát triển như phát triển đô thị, tạo sự đột phá về lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm; du lịch biển, công nghệ cao…

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng cần xác lập một sự khác biệt, có phương pháp tiếp cận đột phá mạnh mẽ, định vị vai trò trung tâm trong chuỗi phát triển cho toàn khu vực miền Trung, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ có đẳng cấp.

Điều quan trọng hiện nay đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế quy mô rộng sang phát triển theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong nội dung tổng kết thực hiện 5 hướng đột phá phát triển kinh tế và đề xuất hướng đột phá cho giai đoạn 2015-2020, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho rằng, để đạt mục tiêu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững, ngay từ giai đoạn 2015-2020, Đà Nẵng cần tập trung phát triển nhanh và bền vững các ngành dịch vụ; phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế dân doanh cùng hình thành một số doanh nghiệp “đầu đàn” có quy mô sản xuất lớn, có sản phẩm chủ lực chủ động tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố, giai đoạn phát triển mới của thành phố Đà Nẵng là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. Mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Đà Nẵng phải thực hiện nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Trong quản lý điều hành phát triển kinh tế cần nâng cao năng lực ở các cấp, thực hiện linh hoạt, đồng bộ về cơ chế, chính sách; tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đà Nẵng cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.