Một trong những thành công để lại dấu ấn quan trọng trong 5 năm qua của thành phố trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp là từ năm 2013, giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD (năm 2010 đạt 633,7 triệu USD). Từ đó tăng đều qua từng năm với mức tăng khoảng 100 triệu USD mỗi năm.
Hàng hóa xuất khẩu đã đa dạng, phong phú hơn. |
Kết quả này phản ánh đúng định hướng phát triển kinh tế của thành phố trong 5 năm qua, đặc biệt là hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của thành phố.
Gần 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu
Đến cuối năm 2014, cả thành phố có gần 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu từ 3 triệu USD trở lên (22 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10 triệu USD). Không những thế, hàng hóa xuất khẩu đã đa dạng, phong phú hơn với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI).
Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn về xây dựng các khu công nghiệp và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố; trong đó, dấu ấn đặc biệt quan trọng là triển khai “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế, vươn lên. Hiện các DN FDI của thành phố đóng góp trên 60% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, có rất nhiều cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình, nhất là những hộ sản xuất các mặt hàng truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ, đã đóng góp đáng kể vào sản lượng hàng hóa xuất khẩu của thành phố. Nhiều ngành hàng được xếp vào nhóm sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực như cao su, dệt may, thủy hải sản…
Nếu như năm 2010, mặt hàng dệt may có giá trị xuất khẩu gần 100 triệu USD thì đến năm 2015 dự kiến đạt hơn 250 triệu USD; trong đó, riêng Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ chiếm trên 50%. Công ty CP Dệt may 29-3 cũng có những tăng trưởng đột phá với tốc độ trên 25%/năm.
Đặc biệt, mặt hàng lốp ô-tô các loại của Công ty CP Cao su Đà Nẵng với các loại lốp đặc chủng, sử dụng cho ngành khai thác khoáng sản được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp thành phố. Năm 2014, công ty tiếp tục đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy sản xuất lốp ô-tô toàn thép (lốp Radial) cung cấp cho thị trường, kết thúc việc nhập khẩu loại lốp này của Việt Nam, mở ra khả năng mới trong việc “đi tắt, đón đầu” để hội nhập. Riêng năm 2014, với tổng doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, công ty đã nộp ngân sách thành phố 305 tỷ đồng.
Hàm lượng chất xám có tỷ trọng lớn
Đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu của thành phố trong những năm gần đây có sự chuyển biến về chất với hàm lượng chất xám cao hơn, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng cao hơn, nhờ đó các doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất và cải thiện đời sống của người lao động.
Thể hiện rõ nhất là các sản phẩm của ngành dệt may thuộc các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Vinatex, Công ty Liên doanh May mặc hàng xuất khẩu Đà Nẵng - tỷ lệ sản phẩm cao cấp chiếm tỷ trọng từ 70% đến 100% cơ cấu sản phẩm của đơn vị.
Đối với các đơn vị chế biến hàng hải sản xuất khẩu như Công ty CP Thủy sản miền Trung, Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước… cũng có bước chuyển biến mạnh. Hiện ngành chế biến thủy, hải sản chiếm gần 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Các đơn vị này đã đầu tư công nghệ, cải tiến sản xuất tạo ra những mặt hàng có giá trị cao. Kết quả là khá nhiều sản phẩm của các công ty xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, được đưa thẳng ra siêu thị cung cấp cho người tiêu dùng mà không phải qua giai đoạn chế biến ở các nước nhập khẩu như những năm trước.
Đối với các DN FDI, nhiều doanh nghiệp đã chọn Đà Nẵng là điểm đầu tư làm ăn lâu dài nên đã từng bước chuyển giao công nghệ hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ, tìm kiếm các sản phẩm, vật tư thay thế từ các doanh nghiệp của thành phố, nhất là các sản phẩm cơ khí.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển và phát triển bền vững không những của ngành công nghiệp mà là của một địa phương. Sự tăng trưởng bền vững giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố trong thời gian qua đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của những định hướng, những chủ trương và các chính sách của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, tạo nên bước phát triển bền vững cho thành phố.
Bài và ảnh: Đức Thịnh