* Kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến du thuyền Sông Thu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi
ĐNĐT - Cùng với việc "mở toang" bãi biển cho người dân và du khách, UBND thành phố cũng hoàn lại giá trị tiền chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp đối với phần thu hồi đất từ doanh nghiệp để tạo bãi biển công cộng.
Chính quyền thành phố sẽ đầu tư các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động tắm biển và giải trí bãi biển |
Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp thẩm định đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng sáng 7-10.
Với đề xuất của Công ty CP Mỹ Khê (chủ dự án Khách sạn Avarta, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) về việc sử dụng một phần bãi biển công cộng để làm dịch vụ phục vụ người dân và du khách, UBND thành phố chưa xem xét. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, bãi biển công cộng đang cần được quy hoạch lại để người dân và du khách thực sự thoải mái trong sinh hoạt tắm biển và nghỉ dưỡng.
Hiện khu vực này đã triển khai thí điểm xã hội hóa dịch vụ bãi biển do Khách sạn Holiday đầu tư nhưng chưa được đánh giá cao về hiệu quả. Ngoài gia tăng tiện ích cho người dân và du khách tắm biển, mật độ đầu tư các hạng mục như bàn ghế, sân chơi thể thao quá dày đặc đã cản trở sinh hoạt chung.
Từ vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo giao các vệt bãi biển công cộng cho đơn vị chức năng của thành phố quản lý, chính quyền thành phố sẽ đầu tư các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động tắm biển và giải trí bãi biển như: vòi tắm nước ngọt, dịch vụ giải khát, sân chơi thể thao biển. UBND thành phố không có chủ trương giao bãi biển cho bất cứ doanh nghiệp nào mà kêu gọi doanh nghiệp hoạt động ven biển tham gia bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, giữ gìn an ninh trật tự.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng vận động các chủ dự án ven biển đoạn từ Khách sạn Furama đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam tháo dỡ tất cả các hàng rào dự án, tạo môi trường và cảnh quan mở với không gian xung quanh. Đồng thời, cứ 2 dự án liền kề sẽ mở lối đi và tạo bãi tắm biển phục vụ nhân dân.
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng đã thông qua phương án kiến trúc cầu vượt và cầu đi bộ qua nút giao thông đường Nguyễn Tri Phương phục vụ triển khai dự án xe buýt nhanh (BRT).
Đối với dự án Khu du lịch Future property Invest do VinGroup đầu tư, được điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích và giảm căn hộ biệt thự từ 133 căn xuống 122 căn; giảm mật độ xây dựng từ 22% xuống 17%.
Ở dự án Trung tâm biểu diễn xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại khu vực công viên Thanh Niên, chủ đầu tư được triển khai dự án qua 2 giai đoạn gồm: quản lý, đầu tư tôn tạo cảnh quan đồng bộ với quy hoạch thiết kế tổng thể chung của công viên Thanh Niên, lắp dựng nhà biễu diễn; tiếp đó đầu tư hoàn thiện dự án với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cam kết với UBND thành phố sẽ triển khai giai đoạn 1 của dự án với việc đầu tư 30 tỷ đồng để lắp dựng rạp xiếc phục vụ trong dịp Tết và chuẩn bị cho hoạt động Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Đà Nẵng trong năm 2016.
UBND thành phố cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến du thuyền tại khu cảng Nhà máy đóng tàu Sông Thu và đầu tư khai thác dịch vụ trên cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Doanh nghiệp có thể đầu tư cả hai hạng mục hoặc đầu tư riêng lẻ đối với bến du thuyền hoặc khai thác cảnh quan cầu đi bộ.
Triệu Tùng