Ngày 5-10, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận, mở ra bước ngoặt lịch sử về phát triển kinh tế cũng như địa chính trị đối với 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận những suy nghĩ và kiến nghị từ cộng đồng doanh nhân Đà Nẵng trước sự kiện này.
Doanh nghiệp lo lắng nhưng cũng háo hức chào đón TPP chính thức được ký kết. |
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng:
TPP sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Đà Nẵng
Trong số 12 nước tham gia TPP lần này, Việt Nam là quốc gia kém phát triển nhất bên cạnh những nền kinh tế lớn của toàn cầu như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc… Tuy nhiên, chính sự chênh lệch này lại là sự tương hỗ thuận lợi cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, công nghệ cao… TPP mở ra những thuận lợi về xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Hiện toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 40 doanh nghiệp dệt may, thủy sản, với các ngành này các nước tham gia TPP là thị trường rộng lớn để chúng ta xuất khẩu hàng hóa với thuế suất bằng không (0%). Ngược lại, chúng ta có thể tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ các nền kinh tế lớn của thế giới, điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghệ cao của Đà Nẵng. Riêng lĩnh vực dịch vụ, Đà Nẵng sẽ gặp sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệp và giàu tiềm lực từ các nước thành viên khác của TPP khi họ đầu tư vào thành phố.
Để tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, tôi cho rằng, với lợi thế cảng biển lớn, Đà Nẵng nên tập trung phát triển dịch vụ logistic nhằm hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển, giao nhận hàng hóa từ hai chiều nối giữa các nước châu Á với những thị trường khác ở bên kia Thái Bình Dương như Mỹ, Úc…; đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư về công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại giày BQ: Cơ hội lớn cho khởi nghiệp, tìm kiếm thị trườngkinh doanh
Việc đàm phán thành công TPP đem lại niềm vui lớn cho nhiều doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng. Hiệp định này mở ra những cơ hội rất lớn, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản, công nghệ thông tin… BQ là đơn vị chuyên kinh doanh mặt hàng giày dép, TPP không chỉ giúp BQ mở ra cánh cửa để tiếp cận với nhiều nguồn nguyên liệu mới, chất lượng, có giá thành rẻ hơn thay vì phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc như lâu nay. Cơ hội xuất khẩu hàng hóa qua các nước thành viên của TPP rộng mở và thuận lợi hơn hẳn.
Đặc biệt, với sự mở rộng, đa dạng hóa về lĩnh vực, TPP tạo ra cơ hội lớn cho các bạn trẻ, nhất là ở các lĩnh vực mà giới trẻ đang quan tâm và có thế mạnh như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính… Tôi cho rằng, đây là cơ hội tuyệt vời cho những bạn trẻ có khả năng và muốn khởi nghiệp. Điều này cũng phù hợp với chương trình Vườn ươm khởi nghiệp mà thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng: Cơ hội lớn thì thách thức càng cao
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi nhận thấy, việc TPP được nhất trí thông qua là cơ hội lớn, một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam, là tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các ngành nghề thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản... TPP sẽ tạo điều kiện cho nước ta thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp từ các nước lớn trong khối TPP như Mỹ, Nhật, Canada, Úc... để phát triển kinh tế.
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời khi thực thi các cam kết của TPP sẽ gặp những thách thức không nhỏ, có cả nhiều rủi ro cho sản xuất trong nước; những ngành kém lợi thế, cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau; sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước ta còn yếu kém về nhiều mặt.
Để tận dụng được lợi thế, nắm bắt cơ hội do TPP mang lại, các DNNVV cần tìm hiểu kỹ các nội dung cam kết của Hiệp định; qua đó đối chiếu, nhận diện, định vị lại doanh nghiệp mình trong bối cảnh quan hệ giao thương, hợp tác với các nước trong khối TPP. Từ đó ra sức phát huy các thế mạnh, khắc phục các khuyết, nhược điểm, tồn tại của doanh nghiệp, sẵn sàng hợp tác liên kết với các doanh nghiệp bạn để tạo thế chủ động khi gia nhập.
TPP mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp thì tất nhiên nó cũng bao gồm cả những thách thức lớn. Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng phải thế, và chỉ có trong khó khăn, thử thách thì chúng ta mới lớn mạnh lên được.
KHÁNH HÒA ghi