.
Thu hồi dự án, quyết giữ lại sân vận động Chi Lăng

Bài cuối: Đà Nẵng muốn chuộc lại sân vận động Chi Lăng

.

Ngân hàng Nhà nước hiện là cơ quan quản lý dự án sân vận động (SVĐ)Chi Lăng. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố có chủ trương thu hồi dự án,  đền bù giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án để quản lý và sử dụng SVĐ Chi Lăng.

Sân vận động Chi Lăng từng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của Đà Nẵng.                    Ảnh: BẢO AN
Sân vận động Chi Lăng từng là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của Đà Nẵng. Ảnh: BẢO AN

Lãng phí và thất thoát

Khả năng khắc phục hậu quả do sai phạm trong quản lý kinh tế của Tập đoàn Thiên Thanh đối với dự án SVĐ Chi Lăng là rất mơ hồ, bởi số vốn đầu tư bị chiếm đoạt khá lớn, gần 6.000 tỷ đồng (bao gồm 1.500 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất và 4.000 tỷ đồng thế chấp vay vốn ở các ngân hàng). Việc thay thế nhà đầu tư mới càng khó khả thi bởi nhà đầu tư phải xử lý nguồn vốn chiếm dụng, chi trả tiền thuế sử dụng đất và đầu tư phát triển dự án.

Dự án SVĐ Chi Lăng đang diễn ra tình trạng lãng phí và thất thoát nguồn thu. Cơ sở hạ tầng của ngành Thể thao Đà Nẵng như khu nhà ở, nhà làm việc và các phòng chức năng tại SVĐ Chi Lăng bị nhà đầu tư bỏ hoang và đang xuống cấp. Việc lãng phí hạ tầng kéo theo sự tốn kém của ngân sách thành phố Đà Nẵng phải chi trả cho hoạt động huấn luyện thể dục - thể thao của Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngân sách thành phố đã phải tiêu tốn 10 tỷ đồng để trả chi phí thuê sân bãi tập luyện và di chuyển của vận động viên. UBND thành phố cũng phải sử dụng 2 block nhà chung cư tại Khu đô thị phía nam cầu Trần Thị Lý làm chỗ ở cho vận động viên. Ngoài lãng phí hạ tầng, dự án SVĐ Chi Lăng cũng tác động xấu đến mỹ quan đô thị vì không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Thất thoát tại dự án hằng năm luôn diễn ra bởi việc thu hồi mặt bằng chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến việc nhiều tổ chức, cá nhân tiếp tục sử dụng mặt bằng cũ để kinh doanh khai thác. Đất ở tái định cư thành phố Đà Nẵng đã bàn giao cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi giải tỏa dự án để làm nhà ở tái định cư.

Theo đó, đã có 107 lô đất chuyển giao phục vụ giải tỏa gồm: Khu tái định cư khu vực đường Hải Phòng - Lê Lợi - Nguyễn Chí Thanh 22 lô; tái định cư tại khu dân cư số 2 Nguyễn Tri Phương và đường 30 tháng 4 có 30 lô; khu tái định cư tại khu vực Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và Sở Kế hoạch và Đầu tư 18 lô; khu tái định cư  vị trí nhà làm việc Ban Nghĩa trang thành phố 9 lô và khu dân cư mới đường Nguyễn Thiện Thuật…

Nhiều hộ giải tỏa nhận đất tái định cư, xây dựng nhà ở mới khang trang, nhưng tại nơi ở cũ vẫn tiếp tục được sử dụng, trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê, gây thất thoát nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Trong khi đó, thành phố đã thực hiện kinh phí giải tỏa, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ giải tỏa ngay tại dự án hơn 194 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chưa kể giá trị đền bù giải tỏa, tái định cư, xây dựng hạ tầng  để có mới hàng trăm lô đất tái định cư trong nội thành, có giá trị sinh lời cao về đất ở... Hiện ở dự án SVĐ Chi Lăng chỉ có 39/101 hồ sơ bàn giao mặt bằng, nhưng có tới 80 trường hợp đã nhận đất tái định cư.

Thực hiện cam kết bàn giao đất “sạch” cho dự án SVĐ Chi Lăng, UBND thành phố Đà Nẵng đã xúc tiến việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư. Năm 2011, UBND thành phố đã triển khai việc chọn địa điểm, đầu tư xây dựng trụ sở mới để di chuyển địa điểm hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị để tạo quỹ đất tái định cư. Các phòng, ban chuyên môn, nhà ở tập thể của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố hoạt động trong SVĐ Chi Lăng cũng di dời đến địa điểm mới để hoạt động.

Trong 3 năm 2011, 2012 và 2013, để thực hiện việc giao đất cho nhà đầu tư, nhiều hoạt động của thành phố bị ảnh hưởng. UBND thành phố tổ chức nhiều cuộc họp tìm phương án tái định cư sau giải tỏa đã khó, việc tìm địa điểm gấp gáp cho CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng thi đấu càng khó khăn hơn.

Ban đầu, dự định thuê SVĐ Quân khu 5, nhưng nơi đây không đảm bảo kỹ thuật cho tổ chức thi đấu Giải bóng đá vô địch quốc gia… Cuối cùng, thành phố chọn phương án đầu tư mới SVĐ Hòa Xuân sức chứa 20.000 chỗ ngồi để thay SVĐ Chi Lăng và trong thời gian chờ sân vận động mới đành quay lại… thuê SVĐ Chi Lăng để sử dụng tạm.

Đề nghị nắm quyền quản lý dự án và sử dụng sân vận động Chi Lăng

Ngày 27-8-2015, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, UBND thành phố đã làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; trong đó đề nghị được hoàn trả 1.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước để nắm quyền quản lý dự án và sử dụng SVĐ Chi Lăng.

Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì đây là cơ hội để thành phố Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp khu vực SVĐ Chi Lăng. Hiện nay, thành phố có nhu cầu đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng như Nhà hát lớn thành phố, Khung hội nghị quốc tế…

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, tại cuộc làm việc với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nêu ý kiến giữ lại SVĐ Chi Lăng, bởi nơi đây diễn ra nhiều hoạt động chính trị-xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Thực tế, SVĐ Chi Lăng hình thành hơn 70 năm qua và là nơi tập hợp, biểu dương sức mạnh cách mạng của thành phố Đà Nẵng qua các sự kiện chính trị như biểu dương lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám, giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975 và nhiều sự kiện chính trị lớn của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng sau này.

“Ở thời điểm này, không có ai hoặc đơn vị nào bảo đảm cho việc triển khai theo đúng quy mô dự án mà Tập đoàn Thiên Thanh đã xây dựng”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết. Do đó, UBND thành phố đang chuẩn bị làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, xây dựng hợp đồng để sử dụng tạm SVĐ Chi Lăng trong thời hạn 5 năm. Với kế hoạch này, SVĐ Chi Lăng trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm: Khi được các cấp thẩm quyền đồng ý chủ trương cho thu hồi dự án thì việc tính toán hỗ trợ, bồi thường cho các bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan như chủ đầu tư và Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn bạc theo đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng phải tính toán, tự dàn xếp nguồn kinh phí để thu hồi được dự án này.

Về nguyên tắc, dự án không triển khai thì phải thu hồi theo luật và do vậy việc bồi thường hay hỗ trợ không nhất thiết phải theo ý chủ quan của nhà đầu tư bởi thành phố không sai trong việc chuyển quyền sử dụng đất đầu tư dự án mà là nhà đầu tư đã vi phạm pháp luật. UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tính toán, thương thảo lại, có thể sẽ chấp nhận mức bồi hoàn giá trị đầu tư xấp xỉ 1.400 tỷ đồng mà chủ đầu tư đã đầu tư. Nếu được như vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ thu xếp tài chính trong nhiều năm để xử lý việc bồi hoàn.

Nói về tương lai của dự án, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương giải tỏa hết phần diện tích tiếp giáp 4 trục đường xung quanh sân vận động; giải tỏa xong, thành phố không có chủ trương chuyển dự án lại cho nhà đầu tư khác mà để mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang SVĐ Chi Lăng trở thành một công trình xứng tầm với sự phát triển của đô thị Đà Nẵng trong tương lai. UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản giải trình đầy đủ liên quan đến SVĐ Chi Lăng và đề xuất giải quyết theo hướng dự án không triển khai thì phải thu hồi theo đúng luật.

Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.