Một tiếng trước khi cuộc đàm phán cuối cùng giữa các bên khép lại rạng sáng 5-10, Việt Nam và Mỹ mới đạt thoả thuận về sở hữu trí tuệ, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trả lời báo chí ngay sau khi đặt chân xuống Sân bay Nội Bài đêm 6-10. Ảnh: Chí Hiếu. |
Trở về đêm 6-10 sau khi hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ với báo chí về quá trình đàm phán, cơ hội và thách thức với nền kinh tế khi tham gia TPP.
- Trở về từ cuộc đàm phán TPP - nơi mà đại diện nhiều nước nhận định là cột mốc lịch sử, cá nhân ông đánh giá như thế nào về hiệp định này?
- Nhiều bộ trưởng tham gia đàm phán TPP gọi đây là hiệp định lịch sử. Đấy là quan điểm của họ. Cá nhân tôi nhận thấy đây là một hiệp định có tính bước ngoặt, khi tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi ASEAN chỉ có 10 nước thì TPP bao gồm 12 nước, chiếm 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu. Do vậy, có thể nói đây là thời khắc rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.
TPP cũng là điển hình của các FTA thế hệ mới khi không chỉ bàn đến các vấn đề truyền thống như thương mại, đầu tư, dịch vụ... mà còn nhiều nội dung khác, như doanh nghiệp Nhà nước chẳng hạn. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được bàn đến trong một khu vực thương mại tự do.
- Từng nhiều lần bị trì hoãn hoặc kéo dài, đâu là thời điểm ông biết rằng quá trình đàm phán có thể hoàn tất?
- Nút thắt lớn nhất của quá trình này là khi tìm kiếm thỏa thuận cho vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền sinh dược. Chiều 4-10, khi nhận thấy các nước gần như đạt được thỏa hiệp về nôi dụng này thì chúng tôi biết chắc sẽ đạt được TPP.
- Với Việt Nam, thời khắc quyết định là khi nào?
- Các cuộc đàm phán đã diễn ra rất khẩn trương để có được kết quả cuối cùng. Đến nửa đêm 4-10, rạng sáng 5-10, ta mới kết thúc đàm phán dệt may với Mỹ và Mexico. Đây là thỏa thuận cân bằng, có lợi cho Việt Nam đồng thời chấp nhận được cho các nước TPP.
Sau đó đến 3h30 sáng 5-10, Việt Nam và Mỹ mới kết thúc đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ, trong khi cuộc đàm phán cuối cùng diễn ra giữa Mỹ và Nhật kết thúc lúc 4h20.
Nhìn chung, Việt Nam đã nỗ lực để cùng các nước kết thúc vấn đề đàm phán đa phương. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều cuộc gặp rất quan trọng với phía Mexico, Mỹ. Các cuộc gặp này phải đạt được thoả thuận thì chúng tôi mới đàm phán tiếp được.
- Ông đánh giá lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có được từ TPP là gì?
- Nền kinh tế sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn hơn, có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hình thành trong khu vực TPP. Việt Nam cũng có thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc quá mức vào thị trường Đông Á. Khả năng mở rộng thị trường tại Mỹ và FTA với châu Âu trước đó sẽ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tương tự như WTO, TPP cũng đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, chống tham nhũng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các quan chức Nhà nước buộc phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của doanh nghiệp, người dân làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép để bộ máy quản lý hành chính vượt qua bằng được.
- Còn khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp trong nước là gì, thưa ông?
- Khó khăn của ta là sức ép cạnh tranh. Nhưng đây không phải lần đầu Việt Nam hội nhập, mà đã có hành trang 20 năm nên tôi cho rằng nền kinh tế đủ sức tiến vào cuộc chơi mới này. Tuy nhiên, nông nghiệp, trong đó chăn nuôi sẽ khó khăn. Lúc này kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng tôi xin khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Hy vọng trong lúc đó, Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp để sức cạnh tranh lớn lên, chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì một nước nông nghiệp mà không thắng trong lĩnh vực này.
- Vậy làm thể nào để doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế nêu trên?
- Rất khó trả lời câu hỏi này vì mỗi doanh nghiệp nhìn vào TPP ở một góc độ khác nhau. Không thể có một câu trả lời chung cho doanh nghiệp thủy sản hay dệt may. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp năng động, có tư duy đúng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi cho rằng kết quả là khả quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xác định họ tự làm được những gì trước khi cần Nhà nước.
- Hiệp định sẽ được ký kết vào lúc nào, thưa ông?
- Chúng tôi kỳ vọng TPP có thể được ký chính thức vào khoảng đầu tháng Giêng năm 2016.
Theo VnExpress